Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho thơ văn. Mỗi nhà thơ, nhà văn lại mang đến những góc nhìn riêng, hướng ngòi bút cảm thông đến những thân phận người phụ nữ khác nhau. Hãy cùng DINHNGHIA.com.vn tìm hiểu, phân tích về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua bài viết dưới đây.
Nội dung bài viết
Tìm hiểu bối cảnh xã hội phong kiến xưa
Trong quá trình phát triển của nhân loại, thời kỳ công xã thị tộc mẫu hệ dần được thay thế bằng phụ hệ, tiêu biểu là chế độ phong kiến. Chế độ này bắt đầu từ thế X đến nửa đầu thế kỷ XIX, xã hội tại Việt Nam cũng biến chuyển và ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng Nho giáo trong thờ kỳ này. Tư tưởng của thời kỳ phong kiến tác động lớn đến các khía cạnh khác nhau của đời sống và cũng tác động đến cả người phụ nữ.
Trong chế độ phong kiến, bốn chữ “tam tòng tứ đức” gói gọn và đè nặng lên người phụ nữ, không được học hành cũng không được tham gia bàn bạc quyết định mọi việc từ lớn đến nhỏ, bị gò bó và áp đặt về mọi phương diện, chỉ có thể xoay quanh “cầm, kỳ, thi, họa”. Hầu hết các bi kịch của người phụ nữ đều bắt nguồn từ đây bởi trong thời kỳ phong kiến, tư tưởng trọng nam khinh nữ là cực kỳ nặng nề.
Bể khổ khi bị xem nhẹ, bị xem là “phụ” trong gia đình, còn phải chịu kiếp chồng chung, ở thời kỳ phong kiến, người đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp, còn người phụ nữ luôn phải giữ trọn đức hạnh, bị gièm pha nhiều điều.
Kể cả khi người phụ nữ có tài sắc vẹn toàn vẫn sẽ ôm những nổi cơ cực như bị xem là món hàng trao đổi, không có vị thế cao trong xã hội, gặp nhiều trắc trở, bởi thế người ta mới thường có câu “hồng nhan bạc phận” hay “tài hoa bạc mệnh” để nói về người phụ nữ thời xưa.
Lập dàn ý bài văn viết về thân phân người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Mở bài
Dẫn dắt để khơi gợi cho người đọc hình ảnh người phụ nữ xưa, khắc họa được sơ lược hình ảnh và đề tài mà bản thân muốn nói đến, có thể là hình ảnh được xuất hiện nhiều trong văn học Việt Nam từ xưa đến nay hoặc hình ảnh của một nhân vật cụ thể như Thúy Kiều, Vũ Nương,…
Thân bài
Nêu khái quát về hình tượng của người phụ nữ truyền thống Việt Nam:
- Vẻ đẹp của người phụ nữ xưa: Vẻ đẹp ngoại hình và cả vẻ đẹp nội tâm, nêu bật về những đức tính cao đẹp.
- Nói về những bi thương họ đã trải qua, có thể dẫn dắt thêm bằng câu chuyện trong văn thơ hay những dẫn chứng thực tế trong xã hội:
+ Họ là nạn nhân của chế độ trọng nam khinh nữ.
+ “Hồng nhan bạc phận”, chịu nhiều trắc trở, người phụ nữ không được tự quyết định cuộc sống thậm chí cả tình yêu và hôn nhân của mình, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.
+ “Ba chìm bảy nổi”, số phận của họ như bèo dạt mây trôi vô định không biết rồi sẽ về đâu.
+ Số phận của người phụ nữ khi lấy chồng: Cô đơn lẻ bóng khi chồng đi xa, chịu nhiều tủi nhục, thường bị nghi ngờ, u buồn.
- Từ những hình tượng – đức tính của người phụ nữ, ta dẫn dắt để làm nổi bật lên những đau khổ họ chịu đựng, từ đó vẽ được bức tranh về một xã hội phong kiến cũ đã đẩy người phụ nữ vào chốn lầm than.
Kết bài
Đúc kết thông điệp, thể hiện sự đồng cảm đối với những bất công của người phụ nữ trong chế độ phong kiến, khái quát thêm về sự khác biệt của người phụ nữ xưa và nay để người đọc có thêm cái nhìn về tầm quan trọng của người phụ nữ cũng như việc cần phải làm để củng cố sự bình đẳng trong xã hội.
Top 7 bài cảm nhận về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Bài văn mẫu số 1
Nguyễn Du đã phải thốt lên một cách ai oán về thân phận của người “đàn bà” – người phụ nữ trong xã hội phong kiến Việt Nam xưa. Quả thực, từ xưa đến nay, người phụ nữ chân yếu tay mềm là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi nhất. Trong xã hội phong kiến, thân phận họ lại càng bị rẻ rúng hơn, cực khổ hơn. Cứ nhìn vào Vũ Thị Thiết trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ và nàng Kiều trong kiệt tác văn học “Truyện Kiều” của Nguyễn Du chúng ta sẽ cảm biết được một cách đủ đầy về số phận của họ.
“Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
Số phận của người phụ nữ xưa là một số phận đầy bi kịch: Đau khổ, bất hạnh, oan khuất tài hoa bạc mệnh – Hồng nhan đa truân.
Vũ Thị Thiết, người con gái thùy mị nết na, vừa đẹp người vừa đẹp nết. Nhưng không có cuộc sống hạnh phúc. Nàng kết hôn với Trương Sinh – một người đàn ông nhà quyền lực, giàu có nhưng lại đa nghi và hay ghen. Vì vậy, để có thể sống hòa thuận trong gia đình đó, Vũ Nương luôn phải cố gắng giữ gìn khuôn phép để vợ chồng không phải thất hòa. Những người như nàng phải sống trong cái xã hội trọng nam khinh nữ, họ làm sao có thể có được cuộc sống bình đẳng, hạnh phúc. Không chỉ vậy, họ còn là nạn nhân của những cuộc chiến tranh phi nghĩa. Khi Trương Sinh phải đi ra chiến trường, nàng ở nhà vừa chăm con, vừa lo cho mẹ chồng già yếu bệnh tật. Thế nhưng, nàng vẫn bị chồng nghi oan và cuối cùng chỉ biết chọn cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân mình.
Số phận Vương Thuý Kiều là một tấn bi kịch, bi kịch tình yêu khi mối tình đầu tan vỡ. Nàng phải bán mình chuộc cha, “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”. Hai lần tự tử, hai lần đi tu, hai lần phải vào lầu xanh, hai lần làm con ở quyền sống và quyền hạnh phúc bị cướp đoạt nhiều lần. Tấm lòng trong trắng, trinh bạch của người con gái tài sắc vẹn toàn như bèo dạt mây trôi. Suốt mười lăm năm đoạn trường lưu lạc, nàng Kiều đã phải chịu biết bao nhiêu cay đắng, tủi nhục dày vò bản thân. Nỗi đau đớn nhất của nàng là nỗi đau khi phẩm giá của con người bị chà đạp, lòng tự trọng bị sỉ nhục:
“Thân lươn bao quản lấm đầu
Tấm lòng trinh bạch lần sau xin chừa.”
Như cánh bèo trôi trên ngọn sóng, như cánh buồm trôi dạt trên biển khơi, cuộc đời Kiều trôi dạt, lênh đênh đến tận cùng của bến bờ khổ ải. Giữa trời cao bể rộng không có chỗ dung thân cho một con người. Dù con người ấy chỉ có một nguyện vọng đơn giản là được sống bình yên bên cạnh cha mẹ, được yêu thương chung thủy với người mình yêu.
Chính xã hội phong kiến suy tàn đã biến những người phụ nữ tài sắc, đức hạnh như Vũ Nương và Kiều phải có cuộc sống bất hạnh, thân phận bèo bọt, nổi trôi như vậy!
Căm ghét xã hội phong kiến thối tha, mục ruỗng bao nhiêu, các nhà văn nhà thơ lại càng trân trọng, thương yêu, bảo vệ và ca ngợi phẩm giá của người phụ nữ bấy nhiêu. Vũ Thị Thiết, được Nguyễn Dữ giới thiệu một cách trang trọng: “…người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Ngay từ đầu văn bản, chân dung nàng đã được hiện lên với sự ngợi ca, trân trọng của nhà văn. Không dừng lại ở đó, suốt chiều dài văn bản, người đọc bắt gặp một người con gái Nam Xương vừa đẹp người, vừa đẹp nết. Nàng là một người mẹ hiền, người dâu thảo, người vợ chung thủy. Chồng đi chiến trận, nàng luôn giữ mình, thương nhớ chồng và một lòng chung thủy với chồng. Một tay Vũ Nương chăm sóc con thơ, chăm lo cho mẹ già vì thương nhớ người con trai của mình mà sinh ra đau yếu, bệnh tật. Có thể nói rằng, viết về nhân vật của mình, Nguyễn Dữ đã ca ngợi và rất trân trọng vẻ đẹp phẩm chất cao quý ấy.
Còn nàng Kiều thì sao? Viết về Kiều, Nguyễn Du càng nâng niu, trân trọng:
“Một hai nghiêng nước nghiêng thành
Sắc đành đòi một tài đành họa hai.”
Kiều là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, xét về nhan sắc. Trong nhân gian chỉ có Kiều là nhất, còn về tài năng thì ngoài nàng ra may ra có người thứ hai là Đạm Tiên. Ngòi bút của nhà thơ viết về Kiều có lẽ đã đạt đến độ cực đỉnh, không còn có một từ ngữ nào có thể miêu tả được về tài sắc của nàng nữa. Bên cạnh cái tài, cái sắc, Nguyễn Du còn ca ngợi Kiều là một người có tình có nghĩa. Kiều là một người phụ nữ thủy chung, bị bán vào lầu xanh nhưng nguyện lấy cái chết để bảo vệ danh tiết cho mình. Nàng là một người con có hiếu, khi không hề nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân mình, sẵn sàng “bán mình chuộc cha”, giúp gia đình thoát khỏi cơn hoạn nạn. Kiều làm tròn đạo hiếu, báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha. Trong suốt quãng đời lưu lạc dài dằng dẵng, Kiều không bao giờ cam chịu, không bao giờ chịu khuất phục, trong ý thức, nàng luôn là “con người chống đối”, là “kẻ nổi loạn”. Nàng vượt ra khỏi chốn lầu xanh ô nhục của Tú Bà, Bạc Bà, trốn khỏi chốn “hang hùm nọc rắn” của nhà quý tộc họ Hoạn, cuối cùng đến được với người anh hùng Từ Hải. Và cuối cùng nàng đã đền ơn, trả oán, minh bạch, công khai. Kiều là hiện thân của người phụ nữ có khát vọng tự do, công lý và chính nghĩa.
Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc, cao cả, Nguyễn Dữ và Nguyễn Du đã miêu tả chân thực và đầy xót xa số phận của người phụ nữ trong xã hội cũ. Viết về những người đàn bà bất hạnh, đẹp người đẹp nết này, các nhà văn, nhà thơ đã dành một sự ca ngợi, một sự nâng niu vô bờ bến. Chúng ta cảm nhận được điều đó và càng thương xót cho thân phận của họ hơn bao giờ hết.
Bài văn mẫu số 2
Những người phụ nữ luôn mang trong mình sứ mệnh cao cả, là một nửa kia của thế giới, trong xã hội từ xưa đến nay. Thế nhưng không phải lúc nào những vai trò ấy cũng được mọi người công nhận và trân trọng, nhất là phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
Trong xã hội phong kiến, khi nho giáo giữ vai trò to lớn trong sự nghiệp giáo dục nước nhà, là quy chuẩn cho tri thức của tất cả học sinh, sĩ tử. Bên cạnh những giá trị tốt đẹp có thể áp dụng được vào công cuộc đổi mới của đất nước thì nho giáo cũng có những mặt hạn chết nhất định, đó là xem thường giá trị và vai trò của người phụ nữ, coi họ là tầng lớp dưới cùng của xã hội cho dù có xuất thân ở gia đình dòng dõi hoàng tộc gì đi chăng nữa.
Trong suốt thời kỳ phong kiến, quan niệm “trọng nam khinh nữ” đã trở thành một quy tắc bất thành văn trong tâm trí người Việt. Những người phụ nữ không được đi học, không được phép học chữ, học văn, học đạo, cuộc đời của họ phải phó mặc vào tay người khác, không làm chủ được vận mệnh của mình. Khi một người con gái đến tuổi cập kê thì việc cưới ai sẽ do cha mẹ quyết định chứ không được tự do theo ý mình. Số phận của những người phụ nữ trong xã hội xưa thật tủi nhục, bạc bẽo mà đáng thương làm sao.
Một điều không thể phủ nhận trong xã hội đó là người phụ nữ tựa như một bông hoa mỏng manh trước gió, bị xã hội bên ngoài chà đạp hay bị cả chính người cha ruột, người chồng mình khinh rẻ. Sống trong xã hội hà khắc với người phụ nữ, phân biệt giới tính như thế thì thường những người phụ nữ luôn tần tảo, cần cù, chịu thương, chịu khó, có đầy đủ tam tòng tứ đức theo quy chuẩn của xã hội. Cả gia đình được chăm sóc bởi bàn tay của người phụ nữ và có thể nói rằng họ chính là hậu phương vững chắc nhất để chồng mình có thể yên tâm bôn ba kiếm tiền ngoài kia nuôi cả gia đình.
Do sự phát triển của kinh tế, xã hội mà một xã hội mới hiện đại, tân tiến hơn đã xuất hiện. Xã hội thay đổi kéo theo những chuẩn mực trong xã hội cũng có bước phát triển tột độ, một trong số đó phải kể đến địa vị của người phụ nữ. So với xã hội trước thì bây giờ những người phụ nữ đã được đảm bảo những quyền lợi như nam giới, họ có thể đi học, tham gia vào bất kỳ công việc nào của xã hội, được tự quyết định nửa kia của mình, làm những điều mình thích chứ không hề bị cấm cản. Điển hình cho việc đó là trong xã hội ngày nay có rất nhiều người phụ nữ đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước, những nữ tỷ phú như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Trương Mỹ Hoa.
Người phụ nữ hiện đại nay đã không còn phải phụ thuộc vào bất kỳ ai, không bị bắt học thuộc tam tòng tứ đức như một bài học lọt lòng đối với bất kỳ một cô thiếu nữ nào như trước kia nữa. Ngày nay, khi một người phụ nữ chẳng may thành góa phụ, họ hoàn toàn có thể lựa chọn việc bước tiếp hay ở vậy đến già, tìm một bến đỗ hạnh phúc mới chứ không lẻ bóng, chỉ biết trông con, một lòng chung thủy với người chồng đã mất như trước kia.
Song cũng trong xã hội ngày nay, khi vị thế của người phụ nữ ngày càng được đề cao ngang bằng với nam giới thì nhiều người lại mải mê lo sở thích riêng của bản thân, mong đợi vào những nam giới có tiền mà đánh mất đi bản chất truyền thống tốt đẹp vốn có của người phụ nữ. Không phải tất cả phụ nữ ngày nay đều biết nấu ăn, đảm đương việc nhà, biết lo toan, vun vén cho gia đình.
Đó là sự lựa chọn của riêng họ, không có gì chê trách nhưng theo quan điểm của riêng em, người phụ nữ vẫn luôn phải giữ những giá trị tốt đẹp nhất trên cương vị của một người mẹ, người vợ, người nữ chủ nhân của gia đình. Thực tế đã có rất nhiều gia đình mà cả người chồng, vợ bận rộn với công việc riêng mà quên đi chăm sóc con cái, hạnh phúc gia đình, kết cục là đổ vỡ hôn nhân. Điều đó thật đáng buồn làm sao.
Bài văn mẫu số 3
Từ thuở xưa đến nay, phụ nữ luôn hiện lên với vẻ đẹp dịu dàng, nết na. Người phụ nữ với giàu lòng nhân hậu, bao dung, vị tha với thiên chức làm mẹ, làm vợ đã sưởi ấm biết bao tâm hồn chúng ta. Đất nước Việt Nam tôi cũng tự hào vì là đất nước đầy ắp những truyền thống tốt đẹp ngàn đời, những con người nhân hậu, chất phác mà tiêu biểu là vẻ đẹp của người phụ nữ Việt.
Xã hội xưa với hình ảnh người phụ nữ toát lên vẻ đẹp đảm đang, cần cù, chịu thương, chịu khó lo toan cho hạnh phúc của gia đình. Họ là những người phụ nữ không màng những hy sinh cuộc đời mình để chăm sóc nhà cửa, chồng con. Tuy vậy, địa vị xã hội của người phụ nữ thời phong kiến lại vô cùng nhỏ bé, họ phải sống một cuộc đời tủi nhục, đầy khó khăn, phó thác thân phận của mình vào tay người khác. Họ sống trong một phong kiến thối nát, lạc hậu với một quy tắc bất thành văn “trọng nam khinh nữ”, người phụ nữ thời đó không có tiếng nói trong xã hội. Với những vẻ đẹp như vậy đáng lẽ ra người phụ nữ phải được hưởng một cuộc sống ấm no, êm đềm, hạnh phúc, Nhưng trong sự vô lý của xã hội đó họ đã phải chịu nhiều cảnh uất ức, oan trái khiến họ phải tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân mình, họ không được phép tự quyết định đối với hạnh phúc của mình. Đó là nỗi lòng của biết bao phụ nữ trong xã hội xưa khi hạnh phúc là một điều quá xa xỉ đối với họ. Họ không những phải chịu cảnh lam lũ, vất vả nuôi chồng con mà còn rất nhiều đắng cay, khổ cực. Đến chính người chồng của họ cũng không san sẻ sự khó khăn đó.
Thời xưa con trai năm thê bảy thiếp, không có sự thủy chung nhưng lại áp đặt sự thủy chung lên người vợ. Sống trong xã hội chà đẹp, vùi dập họ cả về thể xác lẫn tâm hồn, tất cả những điều đó chính là hệ quả mà một xã hội phong kiến gây nên cho họ. Đáng lẽ với chân yếu, tay mềm họ phải được sống một cuộc sống dễ dàng, thành thơi hơn, phải được bảo vệ nhưng xã hội phong kiến thối nát lại giết đi những cái quyền đó của người phụ nữ. Càng thương thân phận của họ ta lại càng thêm sự phẫn nộ, căm ghét xã hội đó. Cho đến ngày nay, sự phát triển của kinh tế, xã hội, sự trưởng thành vượt bậc về tư duy của con người mà những quyền lợi chính đáng của người phụ nữ mới được đảm bảo.
Trong xã hội nay, phụ nữ không chỉ đóng góp to lớn vào hạnh phúc của gia đình mà còn là người biết tạo ra của cải, vật chất , tham gia vào nhiều công việc của xã hội, góp phần xây dựng cải tạo xã hội, xây dựng vững chắc nền kinh tế. Địa vị của người phụ nữ trong xã hội hiện đại ngày càng được đề cao, được xã hội bảo vệ cả về tính mạng và tinh thần. Người chồng không những phải bôn ba kiếm tiền mà còn phải giúp vợ vun vén tình cảm gia đình, công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Trong đời sống ngày nay, tiếng nói của người phụ nữ có một giá trị rất to lớn, hòa nhập với xã hội. Họ không phải lúc nào cũng gọi dạ, thưa bẩm. Họ được tùy ý làm những gì mình muốn, được tự quyết nửa kia của mình mà không chịu sự chi phối của bất kỳ ai. Người phụ nữ cũng đã được đảm bảo quyền học tập, mở mang tri thức.
Tóm lại dù sống trong xã hội nào tuy có khác nhau về địa vị thì họ vẫn có một điểm chung là cần cù, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó. Tất cả những đức tính đó giúp họ trưởng thành hơn trong cuộc sống, có chỗ đứng trong xã hội. Những người phụ nữ xưa và nay đều luôn yêu thương chồng con, hy sinh cho con và một mực chung thủy với chồng. Họ không chỉ đẹp về ngoại hình mà cả về nhân cách. Do vậy, mỗi ai trong số chúng ta đều phải biết yêu thương, trân trọng một nửa kia của thế giới.
Bài văn mẫu số 4
Từ xưa đến nay hình ảnh người phụ nữ xuất hiện trong các văn, thơ thường rất đẹp, họ đẹp từ ngoại hình cho đến phẩm chất. Tuy vậy, mỗi người đều mang trong mình vẻ đẹp khác nhau, mỗi thân phận đều mang một đặc điểm riêng biệt.
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương trong tác phẩm “Bánh trôi nước” của mình đã tái hiện lên hình ảnh người con gái “vừa trắng lại vừa tròn”, đó là một người phụ nữ mang vẻ bề ngoài đầy trắng trẻo, phúc hậu. Đó là vẻ đẹp tự nhiên, giản dị, lành mạnh mà đậm chất thôn quê. Những người phụ nữ đẹp là vậy mà lại đáng tiếc hay họ phải sống trong một xã hội phong kiến thối nát với đầy sự áp bức, bóc lột, bộ máy quan lại mục ruỗng, trọng nam khinh nữ đã đẩy số phận của họ đi đến cùng cực.
Càng xinh đẹp họ lại càng khổ đau, lại càng nhận được nhiều sự chú ý của những địa chủ, người có chức quyền trong xã hội áp bức, bóc lột cả về thể xác lẫn tâm hồn. Một quy tắc bất thành văn lúc bấy giờ “hồng nhan bạc phận”. Đớn đau thay số phận của Vũ Nương, chỉ vì con của mình luôn được nhìn thấy hình bóng cha, không bị tủi nhục, thiếu thốn nên hàng tối nàng đã lấy cái bóng của mình và nói dối với con là cha. Nhưng nàng đâu có thể ngờ rằng, chính điều này đã gây đến cho nàng bao nhiêu là tai họa, ngờ vực, bị chồng nghi oan không có sự chung thủy nên nàng đã phải nhảy xuống sông tự vẫn. Với nàng, để minh oan, không còn cách nào khác nữa đó chính là từ bỏ đi sự sống của mình.
Nếu như cái xã hội thời đó có một chút công bằng, cho lời nói của phụ nữ có chút giá trị thì chắc hẳn sẽ không thể nào xảy ra điều đáng tiếc như vậy. Nàng phải chịu nỗi uất ức, nghi ngờ mà chồng đã áp đặt lên nàng.
Số phận người phụ nữ ngày xưa thật là khổ sở, chịu bao nhiêu là oan khuất, bất hạnh. Bị vu oan nhưng không thể nào minh chứng cho sự trong trắng của mình đành tìm đến cái chết. Số phận của họ ở thế bị động, phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác – những gã đàn ông chỉ coi phụ nữ là những trò tiêu khiển, mua vui. Nhiều lúc em cũng thấy cực kỳ hạnh phúc khi được sống trong thời đại mà vị thế của phụ nữ đã được đề cao, quyền của phụ nữ đã được đảm bảo.
Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến ngày xưa đã hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời và đã để lại trong lòng người đọc những xót thương tột độ.
Bài văn mẫu số 5
Người phụ nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách. Đều là đẹp nhưng mỗi người lại mang một vẻ đẹp khác nhau, mỗi thân phận có một đặc điểm ngoại hình riêng biệt. Trong tác phẩm ”Bánh trôi nước” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, hiện lên hình ảnh người con gái “vừa trắng lại vừa tròn”, một người mang vẻ bề ngoài đầy đặn, tròn trịa. Đó là vẻ đẹp tự nhiên, dân dã, không chăm chút mà mộc mạc, tự nhiên nhưng không kém phần duyên dáng với làn da trắng mịn màng. Đấy chính là vẻ đẹp của người con gái lao động hay lam hay làm, đầy mạnh mẽ chốn thôn quê.
Những người phụ nữ đẹp là thế, vậy mà đáng tiếc thay họ lại sống trong một xả hội phong kiến thối nát với bộ máy quan lại mục ruỗng, chế độ trọng nam khinh nữ vùi dập số phận họ. Càng xinh đẹp họ lại càng đau khổ, lại càng phải chịu nhiều sự chén ép, bất công. Như một quy luật khắc nghiệt của thời bấy giờ “hồng nhan bạc phận”.
Đớn đau thay số phận của nàng Vũ Nương! Chỉ vì muốn con vui, muốn bớt buồn, giải khuây khi sống cô đơn vò võ nuôi con nên nàng đã lấy cái bóng, nói với con đó là cha. Nhưng nàng đâu thể ngờ, chính điều này đã gây ra cho nàng bao nỗi bất hạnh, tủi nhục, bị chồng nghi oan mà phải trầm mình xuống sông tự vẫn! Với nàng, để minh oan, không còn cách nào khác nữa. Nàng đã cùng đường mất rồi! Giá như cái xã hội này có một chút công bằng, để cho lời nói của người phụ nữ có giá trị thì chắc chuyện đáng tiếc này đã không xảy ra. Nàng không phải chịu uất ức, không phải lấy nước sông để rửa trôi nỗi nhơ nhục mà chồng nàng áp đặt.
Vâng, số phận người phụ nữ thời xưa phải chịu bao nhiêu oan khuất, bất hạnh. Bị vu oan, bị nghi ngờ mà không thể giãi bày, không thể minh oan cho bản thân. Số phận của họ ở thế bị động, phải phụ thuộc vào người khác – những gã đàn ông chỉ lấy phụ nữ làm thứ mua vui, tiêu khiển. Em rất vui khi được sống trong thời đại mà vị trí của người phụ nữ đã được đề cao, tôn vinh. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện diện ở nhiều vị trí trong cuộc đời và đã để lại nhiều hình ảnh bóng sắc trong văn thơ hiện đại.
Bài văn mẫu số 6
Phụ nữ là đối tượng để yêu thương, trân trọng. Tuy nhiên, trong xã hội xưa, họ lại phải chịu nhiều đắng cay, bất hạnh. Và “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ cùng với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du đã thể hiện được điều đó qua hai nhân vật Vũ Nương và Thúy Kiều.
Đầu tiên là Vũ Nương, nàng không chỉ xinh đẹp ở bên ngoài mà còn mang những nét đẹp bên trong tâm hồn. Đó là một người vợ hết mực hiểu chuyện, lễ nghĩa. Nhưng cuộc hôn nhân của Vũ Nương lại bất hạnh. Nguyên nhân đầu tiên là do đó là cuộc hôn nhân không môn đăng hộ đối. Trương Sinh là con nhà hào phú, vì cảm mến Vũ Nương mà xin mẹ đem trăm lạng vàng sang hỏi cưới. Sự cách biệt giàu nghèo khiến Vũ Nương luôn sống trong mặc cảm “thiếp vốn con kẻ khó được nương tựa nhà giàu”. Và cũng là cái thế để Trương Sinh có những hành động vũ phu, tệ bạc. Trong suốt những năm chồng nàng đi lính, Vũ Nương vừa phải dạy dỗ con thơ, vừa phải chăm sóc mẹ chồng. Vậy mà chỉ vì lời nói của một đứa con thơ, Trương Sinh nghi oan vợ mình thất tiết. Tính cách đa nghi, độc đoán khiến Trương Sinh không cho vợ mình thanh minh. Cuối cùng, nàng phải tìm đến cái chết để chứng minh sự trong sạch của bản thân. Khi Vũ Nương chết, Trương Sinh cũng không bị xã hội lên án. Khi biết Vũ Nương bị oan, Trương Sinh cũng chỉ hối hận chứ không có bất kỳ hành động cụ thể nào để giải oan cho vợ mình.
Vũ Nương không được lựa chọn tình yêu, hôn nhân. Nàng phải chịu sự sắp đặt của cha mẹ theo quan niệm: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” của tư tưởng Nho giáo. Cuộc hôn nhân của nàng và Trương Sinh cũng gặp nhiều bất hạnh. Chiến tranh đã chia cắt hai vợ chồng để rồi chính chiến tranh cũng góp phần cho sự hiểu lầm của Trương Sinh. Sự ghen tuông, đa nghi của chồng cũng khiến nàng phải tìm đến cái chết mới có thể rửa sạch nỗi oan khuất. Tất cả những nguyên nhân ấy đã khiến cho cuộc đời của nàng trở nên bất hạnh hơn hết. Trong một xã hội đầy bất công vốn “trọng nam khinh nữ”, nàng Vũ Nương chỉ còn biết cam chịu và nhẫn nhục, nàng chẳng thể phản kháng lại cái xã hội bất công ấy. Để rồi cuối cùng phải lựa chọn cái chết chứng minh cho sự trong sạch của bản thân. Thông qua nhân vật Vũ Nương, Nguyễn Dữ đã tố cáo xã hội Nam quyền khắt khe, vô nhân đạo đã gây ra bao bất công cho người phụ nữ.
Cái xã hội khiến người phụ nữ luôn bị coi rẻ, khinh thường và vùi dập không thương tiếc. Vũ Nương là người phụ nữ đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong xã hội xưa. Ngòi bút của Nguyễn Dữ đứng trên tư tưởng nhân đạo để bênh vực cho nàng, lên tiếng tố cáo xã hội đã chà đạp cuộc đời của người phụ nữ.
Qua phân tích trên, có thể thấy được Vũ Nương chính là nạn nhân của xã hội xưa, được các tác giả xây dựng để gửi gắm những tư tưởng nhân đạo sâu sắc.
Đánh giá tóm gọn về thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến
Dưới chế độ mà giai cấp cầm quyền cũng như người đàn ông quyết định tất cả, người phụ nữ có thân phận như bèo như mây, chịu nhiều áp bứt và thiệt thòi. Cuộc đời của họ luôn va phải sóng gió dù cho có bao nhiêu đức tính cao đẹp, bởi tư tưởng “trọng nam khinh nữ” là quá nặng nề, phụ nữ luôn bị xem nhẹ, bị coi là “phụ”, là tầng lớp cuối của xã hội, không có sức để vực dậy đấu tranh với sự đè nặng qua bao tháng năm, nào là tam tòng tứ đức hay công dung ngôn hạnh.
Phải nói rằng cuộc đời của người phụ nữ xưa bị xem là rẻ rúng, không có quyền làm chủ, luôn phải tuân theo những phép tắc. Kể cả sinh ra trong gia đình như thế nào, cấp bật cao hay thấp thì đều không tránh khỏi cảnh trôi dạt vô định, tâm hồn luôn bị giam giữ trong một khung sắt vô hình, nơi mà một xã hội đặc biệt chỉ coi trọng việc người phụ nữ hy sinh được bao nhiêu cho người khác và cho người đàn ông. Dưới thời kỳ này, người phụ nữ không được sống cho chính mình.
Xem thêm:
- Phân tích nhân vật Chí Phèo của Nam Cao – Ngữ Văn 11
- Phân tích Bài ca ngất ngưởng của Nguyễn Công Trứ – Ngữ Văn lớp 11
- Phân tích bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh – Ngữ Văn Lớp 9
Hy vọng qua bài viết về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến bạn đã có thêm những kiến thức hữu ích phục vụ cho quá trình học tập và nghiên cứu của bản thân. Nếu có bất cứ câu hỏi nào liên quan đến chủ đề thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến, đừng quên để lại nhận xét để cùng Dinhnghia.vn trao đổi thêm nhé. Chúc bạn luôn học tốt!