Soạn bài khái quát văn học dân gian Việt Nam ngắn gọn

Văn họcSoạn bài khái quát văn học dân gian Việt Nam ngắn gọn

Ngày đăng:

0
(0)

Soạn bài khái quát văn học dân gian Việt Nam để tìm hiểu về đời sống tinh thần của con người dân tộc. Trong nội dung bài viết dưới đây, DINHNGHIA.COM.VN sẽ cùng bạn tìm hiểu và khái quát đặc trưng cơ bản của văn học dân gian nhé!.

Mở bài: Đối với đời sống tinh thần của con người Việt Nam, văn học dân gian có giá trị vô cùng to lớn trong việc bồi đắp tâm hồn bao thế hệ từ thuở lọt lòng cho đến khi trưởng thành. Qua các tác phẩm văn học dân gian, ta không chỉ cảm nhận được phần nào đời sống lao động và tâm hồn của nhân dân từ ngàn xưa mà còn nhận được những bài học giá trị để biết trân trọng những sự sống và biết sống có ý nghĩa hơn.

Nội dung bài viết

Khái niệm văn học dân gian là gì?

Văn học dân gian chính là những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ được tập thể nhân dân sáng tác và được truyền miệng từ đời này qua đời khác để phục vụ trực tiếp cho những hoạt động sinh hoạt khác nhau của đời sống cộng đồng. Cũng có trường hợp, lực lượng sáng tác của văn học dân gian là những người tri thức nhưng những tác phẩm của họ chỉ được công nhận là sáng tác dân gian khi đảm bảo được những chuẩn mực, đặc trưng cơ bản của lĩnh vực này và đặc biệt là thể hiện được tư tưởng, tiếng nói, nguyện vọng cũng như tình cảm chung của cộng đồng nhân dân.

Trình bày các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

Văn học dân gian có những đặc trưng cơ bản sau: tính truyền miệng, tính tập thể, tính thực hành.

Tính truyền miệng là phương thức sáng tác và lưu truyền

Truyền miệng là phương thức sáng tác và lưu truyền của văn học dân gian. Theo đặc trưng này thì những tác phẩm văn học dân gian không phải là những sáng tác được ghi lại bằng chữ viết mà được truyền miệng từ người này sang người khác, từ đời này sang đời khác. Theo cách thức đó, tác phẩm văn học dân gian sẽ được lưu giữ qua nhiều thế hệ và có thể tồn tại ở nhiều địa phương khác nhau.

Sở dĩ văn học dân gian có đặc trưng này là do sự xuất phát của nhu cầu sáng tác và việc mong muốn được thưởng thức các tác phẩm văn học dân gian một cách trực tiếp thế nên những tác phẩm văn học dân gian có thể là những sáng tác tức thời bằng hình thức nói ra bằng lời lẽ để có thể diễn đạt ngay suy nghĩ, nội dung mà mọi người đang hướng tới.

Hơn nữa, khi sáng tác văn học dân gian có thể có sự tham gia của nhiều người nên hình thức này là rất phù hợp để đảm bảo cho các thành viên trong cộng đồng được giao tiếp trực tiếp với nhau. Về mặt loại hình nghệ thuật, truyền miệng chính là phương thức tạo nên hình thức diễn xướng của văn học dân gian.

Tính truyền miệng giúp cho tác phẩm dân gian được hoàn thiện, trau chuốt và phù hợp với tâm tình của nhân dân lao động. Không chỉ vậy nó còn giúp tạo nên sự phong phú về nội dung thể hiện bởi khi sáng tác truyền miệng, các tác giả dân gian sẽ tạo nên nhiều dị bản (nhiều bản kể) của văn học dân gian.

“Tấm Cám” là một truyện cổ tích quen thuộc của bao thế hệ con người Việt Nam, ở phần kết thúc truyện có rất nhiều bản kể khác nhau, ví dụ như: mẹ con Cám thấy Tấm trở về thì xấu hổ bỏ đi và trên đường bị sét đánh chết hay Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu giội nước sôi, Cám chết và mẹ Cám khi nhìn thấy cũng lăn đùng ra chết. Những dị bản khác nhau đó của chuyện chính là được tạo nên từ đặc trưng truyền miệng của văn học dân gian.

Tính tập thể là đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

Trong văn học dân gian có một đặc trưng nữa chính là tính tập thể – một biểu hiện khác của phương thức sáng tác và lưu truyền. Ban đầu, một tác phẩm văn học dân gian có thể do một cá nhân khởi xướng nhưng sau đó sẽ được hình thành bởi sự đóng góp, tham gia của cả một tập thể và cuối cùng được lưu truyền trong cộng đồng cũng chính bởi sự đông đảo của một tập thể.

Nhờ có tính tập thể mà một tác phẩm văn học dân gian tạo nên cơ hội cho mọi người cùng nhau đóng góp, tu bổ, sửa chữa hay thêm bớt để cho tác phẩm ấy được trở nên hoàn thiện và phong phú về nội dung.

Tính tập thể giúp cho một tác phẩm văn học dân gian trở thành tài sản chung của cả một cộng đồng, tập thể và thể hiện được khả năng, tinh thần sáng tác của dân tộc nói chung.

Tính thực hành thể hiện trong văn học dân gian một cách nổi bật

Một đặc trưng nữa trong văn học dân gian cần được nhắc đến đó chính là tính thực hành. Văn học dân gian ra trong đời sống của người dân lao động và gắn bó, phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt của con người. Trong đời sống sinh hoạt, nhân dân lao động có nhiều hoạt động tập thể như cùng nhau lao động, ca hát, vui chơi,… Đây chính là hoàn cảnh thuận lợi để những tác phẩm văn học dân gian ra đời và phục vụ cho chính những buổi sinh hoạt cộng đồng ấy.

Trong kho tàng văn học dân gian, có thể tìm được rất nhiều những tác phẩm được sáng tác để phục vụ cho việc sinh hoạt của đời sống cộng đồng. Chẳng hạn như để giúp cho công việc giã gạo trở nên sôi nổi, nhịp nhàng, nhân dân lao động thường hát lên những câu hò vốn là lời đối đáp của các cô gái và chàng trai:

“Một khoan, hai khoan, ba bốn xin khoan, mời nàng ở lại,

Có điều chi không phải cho tôi phân giải một đôi lời

[…]

Em hỏi anh: trong các thứ dầu, có dầu chi là dầu không thắp?

Trong các thứ bắp, có bắp chi là bắp không rang?

[…]

Trai nam nhi chàng đối được mới rõ hơn thua phen này.

Trong các thứ dầu, có nắng dãi mưa dầu là dầu không thắp.

Trong các thứ bắp, có bắp mồm bắp miệng là bắp không rang.

[…]”

Hay để phục vụ cho những nghi lễ truyền thống của dân tộc, ta cũng có những bài dân ca lễ nghi như: “Bài ca lễ nghi tế thần”, “Hò chèo cạn đưa linh” hay “Múa đèn”…

Trình bày các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian
Trình bày các đặc trưng cơ bản của văn học dân gian

Tìm hiểu về hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam

Văn học dân gian Việt Nam có thể chia thành một số thể loại với hình thức thể hiện và những đặc điểm riêng như sau:

Thần thoại: Nhằm giải thích các hiện tượng xã hội và kể về các vị thần

Đây là thể loại thuộc có hình thức thể hiện là văn xuôi. Những tác phẩm thuộc thể loại này thường kể về các vị thần nhằm giải thích các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Từ các thần thoại như “Thần Sét”, “Thần Mưa”, “Thần Biển”, “Thần Gió”… ta sẽ biết được cách nhìn nhận, lí giải về nguồn gốc các hiện tượng tự nhiên của nhân dân ta như thế nào hay các thần thoại như “Mười hai bà mụ”, “Thần Lúa”, “Cuộc tu bổ lại các giống vật”… sẽ cung cấp cho người đọc những hiểu biết về sự ra đời và phần nào về đời sống sinh hoạt lao động của nhân dân ta.

Sử thi: Cho thấy các sự kiện mang ý nghĩa lớn lao tới cộng đồng

Sử thi dân gian là thể loại được sáng tác bằng văn vần hoặc có sự kết hợp giữa văn xuôi và văn vần nhằm kể lại những sự kiện có ý nghĩa trọng đại đối với toàn thể cộng đồng. Thể loại này thường sử dụng những hình tượng nghệ thuật hùng tráng để thể hiện những câu chuyện về những biến cố, những vấn đề lớn của cư dân trong giai đoạn cổ đại là chủ yếu.

Truyền thuyết: Thể hiện ý thức lịch sử dân tộc và kể về các nhân vật

Truyền thuyết là những tác phẩm tự sự dân gian kể về những nhân vật, sự kiện lịch sử, thể hiện ý thức lịch sử của nhân dân đồng thời cũng cho thấy thái độ có thể đề cao, có thể phê phán của nhân dân về các nhân vật lịch sử. Truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên” cho chúng ta biết về nguồn cội dân tộc, các truyện truyền thuyết về các thời đại vua Hùng giúp mỗi người có cách nhìn nhận về những tập quán, phong tục của đời sống nhân dân ta ở giai đoạn lịch sử thuở sơ khai.

Truyện cổ tích: Cho thấy ước mơ của nhân dân về công lý và hạnh phúc

Truyện cổ tích thường kể câu chuyện xoay quanh cuộc đời của những kiểu nhân vật quen thuộc như: nhân vật bất hạnh, thông minh và ngốc nghếch, dũng sĩ có tài năng kì lạ, cũng có khi nhân vật là động vật. Thông qua những câu chuyện cổ tích, nhân dân sẽ thể hiện trong đó những quan niệm và mong ước về sự công bằng và công lí xã hội, đó là niềm mong muốn những người sống lương thiện rồi sẽ có một cuộc đời hạnh phúc như cô Tấm, anh Khoai, người em út của “Ăn khế trả vàng”…, nhưng nếu tham lam và độc ác như Lí Thông hay mẹ con nhà Cám… thì cũng sẽ chịu sự trừng phạt tất yếu.

Truyện ngụ ngôn: Thể hiện những kinh nghiệm sống, những triết lý ở đời

Truyện ngụ ngôn cũng là những tác phẩm tự sự dân gian thường sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, mượn chuyện về loài vật để đề cập vấn đề về con người. Giá trị của truyện ngụ ngôn nằm ở chỗ đã gợi ra những triết lí và nêu lên những kinh nghiệm của nhân dân ta trong cách ứng xử, cách sống ở đời. Đọc “Ếch ngồi đáy giếng” ta nhận được một bài học về hậu quả của thói kiêu ngạo, ngang tàng ở đời còn “Chuyện bó đũa” là một tác phẩm có tính giáo dục về sức mạnh của sự đoàn kết trong cuộc sống.

Truyện cười: Giúp giải trí tinh thần và phê phán những cái đáng cười

Truyện cười là tập hợp của những câu chuyện kể về những hiện tượng đáng cười nhằm giải trí hoặc phê phán những hiện tượng, những cái đáng cười trong cuộc sống. Chẳng hạn “Lợn cưới áo mới” là câu chuyện cho thấy sự phê phán về tính khoe khoang hay truyện “Con rắn vuông” sẽ giúp người đọc nhận ra tác giả dân gian muốn phê phán tính bốc phét, khoác lác của con người trong cuộc sống.

Tục ngữ: Thể hiện được kinh nghiệm sống và đúc kết của nhân dân

Đây là thể loại dùng lời nói có tính nghệ thuật để thể hiện sự đúc kết kinh nghiệm sản xuất hoặc kinh nghiệm sống của thế hệ ông cha đối với con cháu.

Câu đố: Giúp rèn luyện sự liên tưởng và giải trí theo lối ám chỉ

Thể loại câu đố có nội dung miêu tả sự vật bằng những hình ảnh, hình tượng mang tính chất gợi ý để người nghe có thể đưa ra lời giải đáp nhằm rèn luyện tư duy hoặc nhằm mục đích giải trí.

Ca dao: Miêu tả ngắn gọn về đời sống tinh thần, tình cảm của nhân dân

Đây là những sáng tác trữ tình dân gian, thường có nhạc tính bởi vần, điệu và được sáng tác nhằm diễn tả đời sống nội tâm và thế giới tình cảm vốn rất đỗi phong phú của con người.

Vè: Bình luận về các sự kiện lịch sử của dân tộc mang tính chất thời sự

Các tác phẩm được sáng tác ở thể loại vè thường kể lại hoặc bình luận về những sự kiện có tính chất thời sự hoặc những sự kiện lịch sử đương thời qua cách thể hiện bằng văn vần và lối kể chuyện mộc mạc.

Truyện thơ: Diễn tả số phận nghèo khổ và những khát vọng tự do hạnh phúc

Trong truyện thơ, tác giả dân gian thường kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình để phản ánh số phận của người nghèo khổ cũng như khát vọng về tình yêu tự do ở họ.

Các tác phẩm sân khấu dân gian: Giúp ca ngợi những cái tốt và phê phán cái xấu

Để sáng tác được những tác phẩm kịch hát dân gian như chèo, tuồng dân gian, múa rối, tích truyện, người sáng tác cần kết hợp yếu tố trào lộng và trữ tình nhằm mục đích lên án những thói hư tật xấu, đồng thời đề cao những tấm gương đạo đức trong đời sống xã hội.

Tìm hiểu về hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam
Tìm hiểu về hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam

Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam

Giá trị nhận thức của văn học dân gian

Vì văn học dân gian thể hiện đa dạng những vấn đề trong cuộc sống nên nó sẽ cung cấp tri thức cho con người về tất cả những lĩnh vực của đời sống tự nhiên, xã hội cũng như của chính con người.

Với phần lớn những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn, các tác phẩm văn học dân gian sẽ cho thấy trình độ và quan điểm nhận thức của tập thể nhân dân lao động về các vấn đề lịch sử xã hội như dưới dạng ngôn ngữ nghệ thuật.

Giá trị giáo dục của văn học dân gian

Bên cạnh cung cấp cho con người những tri thức về các lĩnh vực của đời sống xã hội thì văn học dân gian còn có giá trị giáo dục sâu sắc. Trước hết, những tác phẩm văn học dân gian sẽ thể hiện một cách chân thực tinh thần nhân đạo của nhân dân ta từ ngàn đời nay. Đó là sự tôn vinh giá trị con người, là tình thương yêu, sự thương cảm giữa con người với con người trong đời sống và cả ý thức đấu tranh không ngừng của nhân dân để bảo vệ, giải phóng con người khỏi những ngang trái, áp bức trong xã hội.

Thông qua những ý nghĩa được tác giả dân gian gửi gắm trong những tác phẩm, mỗi con người sẽ được bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những bài học về đạo lí, về lẽ sống, về cách ứng xử, làm người, hướng con người đến những giá trị thuộc về chân-thiện-mĩ.

Giá trị thẩm mĩ của văn học dân gian

Văn học dân gian với những tác phẩm có giá trị đã trở thành mẫu mực về nghệ thuật khiến người đọc bao thế hệ vẫn luôn thích thú, đắm say khi được nghe, được kể.

Khi chưa có văn học viết thì văn học dân gian đóng vai trò chủ đạo. Về sau, văn học dân gian với những giá trị nghệ thuật to lớn chính là nguồn cảm hứng sáng tác của những tác phẩm văn học viết. Trên nền tảng của văn học dân gian, văn học viết sẽ được hình thành và phát triển ở hình thức thể loại, ngôn ngữ và cả cách diễn đạt để từ đó có thể cùng với văn học dân gian làm nên sự phong phú, đa dạng của nền văn học Việt Nam.

Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam
Những giá trị cơ bản của văn học dân gian Việt Nam

Tìm hiểu sơ đồ tư duy khái quát văn học dân gian Việt Nam

Kết bài: Có thể thấy, trải qua rất nhiều những biến cố thăng trầm của lịch sử, văn học dân gian vẫn luôn có một vị trí quan trọng trong lòng người đọc. Cùng với văn học viết, văn học dân gian sẽ mãi là thứ tài sản vô cùng quý giá đối của nền văn học dân tộc Việt Nam đến muôn đời.

Soạn bài khái quát văn học dân gian Việt Nam ngắn gọn

Nhằm giúp bạn nắm được những nét chính trong bài viết, DINHNGHIA.VN sẽ lập dàn ý soạn bài khái quát văn học dân gian Việt Nam.

Mở bài khái quát văn học dân gian Việt Nam

  • Giới thiệu vị trí, vai trò của văn học dân gian đối với đời sống tinh thần của nhân dân ta.
  • Đề cập tầm quan trọng và ý nghĩa của văn học dân gian => Dẫn dắt vấn đề.

Thân bài khái quát văn học dân gian Việt Nam

1. Khái niệm văn học dân gian là gì?
2. Đặc trưng cơ bản của văn học dân gian Việt Nam.

  • Tính truyền miệng.
  • Tính tập thể.
  • Tính thực hành.

3. Hệ thống thể loại của văn học dân gian Việt Nam.

  • Thần thoại.
  • Truyền thuyết.
  • Truyện cổ tích.
  • Truyện ngụ ngôn.
  • Truyện cười.
  • Tục ngữ.
  • Câu đố.
  • Ca dao.
  • Vè.
  • Truyện thơ.
  • Các tác phẩm sân khấu dân gian.

4. Những giá trị cơ bản của văn học dân gian là gì?

  • Là kho tri thức đa dạng và phong phú về đời sống tinh thần của nhân dân ta.
  • Thể hiện giá trị giáo dục sâu sắc về đạo lý làm người.
  • Ngợi ca những giá trị tốt đẹp trong nhân cách và tâm hồn của con người.
  • Văn học dân gian mang giá trị thẩm mĩ: với những giá trị to lớn về nghệ thuật.

Kết bài khái quát văn học dân gian Việt Nam

  • Tóm tắt khái quát văn học dân gian Việt Nam.
  • Khẳng định giá trị của văn học dân gian đồng thời bày tỏ suy nghĩ của bản thân.

Xem thêm:

Như vậy, DINHNGHIA.VN đã giúp bạn tóm tắt và soạn bài khái quát văn học dân gian Việt Nam. Hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ cung cấp cho bạn kiến thức hữu ích phục vụ cho quá trình tìm hiểu và nghiên cứu về chủ đề “đặc trưng cơ bản của văn học dân gian”. Chúc bạn luôn học tập tốt!.

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

1C bằng bao nhiêu µC? Quy đổi từ Microcoulomb sang Coulomb

Khi nhắc đến đơn vị đo điện tích thì...

1 kN bằng bao nhiêu N? Chuyển đổi Kilonewton sang Newton

Bạn đã từng nghe về đơn vị đo lực...

1kg bằng bao nhiêu hg, mg, µg, lb? Cách quy đổi khối lượng nhanh

Kg là đơn vị được ứng dụng nhiều trong...

1 dag bằng bao nhiêu g? Cách quy đổi từ Đềcagam sang Gam

Trên thực tế, đơn vị đo khối lượng decagram...