Phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà

Văn họcPhân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm Người lái đò...

Ngày đăng:

0
(0)

Phân tích hình tượng sông Đà cũng như tìm hiểu về thiên tùy bút Người lái đò sông Đà, người đọc mới cảm nhận được phong cách độc đáo và tài hoa của nhà văn Nguyễn Tuân. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu, cảm nhận và phân tích hình tượng sông Đà.

Mở bài: Khi viết về đất nước tươi đẹp, bên cạnh sự ngợi ca dành cho con người, các tác giả còn hướng ngòi bút của mình đến với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng của đất nước. Cũng từ đó mà hình ảnh dòng sông đi vào thơ ca nhạc họa. Nếu Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về sông Hương trong bài ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, Vũ Duy Thông viết về sông La trong bài thơ Bè xuôi sông La thì Nguyễn Tuân lại viết về sông Đà. Sông Đà trong cái nhìn của Nguyễn Tuân như một thực thể sống động vừa mang vẻ đẹp hùng vĩ của thác, nước, đá vừa mang một vẻ đẹp thơ mộng trữ tình đắm say.

Giới thiệu đôi nét về tác giả, tác phẩm

Trước khi tìm hiểu và phân tích hình tượng sông Đà, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả cũng như tác phẩm.

Nguyễn Tuân (1910 – 1987) sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình Hán học đã tàn. Từ nhỏ, ông đã theo gia đình đến sống ở nhiều tỉnh miền Trung. Thân sinh của Nguyễn Tuân là một người theo nghiệp Nho gia, đỗ tú tài trong khoa thi cuối cùng. Vì thế, mang một vị trí dở dang trong xã hội – có danh tiếng nhưng không thể ra làm quan. Đây chính là một nhà nho tài hoa nhưng sinh bất phùng thời.

Chính gia đình là cái nôi văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân sau này. Bản thân Nguyễn Tuân là một thanh niên Tây học. Tâm lí cá nhân phương Tây bắt gặp tâm lý bất đắc chí tạo nên một lối chơi ngông ở Nguyễn Tuân vừa cổ điển vừa hiện đại – khác người và hơn người.

Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn suốt đời đi tìm kiếm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp không nhỏ cho văn học Việt Nam hiện đại – góp vào bầu trời văn học một giọng nói riêng đầy tài hoa và độc đáo. “Người lái đò sông Đà” được trích từ tập tùy bút “Sông Đà”.

Tập tùy bút là thành quả đúc kết được trong chuyến đi thực tế đầy gian khổ nhưng hào hứng đến miền Tây Bắc rộng lớn vào năm 1958. Với chuyến đi thực tế ấy, nhà văn không chỉ thỏa mãn cái thú “xê dịch” của mình mà còn là để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên cùng thứ “vàng mười đã qua thử lửa” của tâm hồn những con người đã chiến đấu và cống hiến hết mình cho mảnh đất này. Bên cạnh hình tượng người lái đò thì hình tượng sông Đà cũng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người đọc.

Phân tích hình tượng sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân

Phân tích hình tượng sông Đà được thể hiện qua câu đề từ cũng như vẻ đẹp vừa hung bạo dữ dằn lại vừa trữ tình thơ mộng.

Nét khác biệt của sông Đà trong câu đề từ

Tác phẩm mở đầu với hai câu đề từ “Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông” và “Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”. Hai câu đề từ thường bị lãng quên nhưng đây lại là hai chiếc chìa khóa quan trọng góp phần làm rõ nội dung tác phẩm. Câu đề từ đầu tiên “Đẹp vậy thay, tiếng hát trên dòng sông” là câu nói của nhà thơ Ba Lan Wladyslaw Broniewski.

Khi phân tích hình tượng sông Đà, ta thấy câu đề từ đầu tiên ấy có cấu trúc như một lời cảm thán, thể hiện sự ngợi ca của tác giả dành cho con sông, dành cho tiếng hát cất lên nơi dòng sông. Đó có thể là tiếng hát của những người dân quanh sông cũng có thể có chính là khúc hát của gió, của sóng, của lá cây hai bên bờ sông vang lên. Câu thơ gợi một hình ảnh đầy thi vị, lãng mạn. Câu đề từ này còn gợi nhớ đến câu thơ đầy ý vị của Nguyễn Khoa Điềm

“Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu

Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát

Người hát khi chèo đò kéo thuyền vượt thác

Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi.”

(Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)

Từ đó, phân tích hình tượng sông Đà còn gợi ra nhiều liên tưởng. Con sông Đà sẽ mang một vẻ đẹp đầy lãng mạn, mơ mộng hay một vẻ đẹp hùng tráng?. Nhưng chắc chắn một điều, đứng trước vẻ đẹp của dòng sông ấy, ta sẽ cảm thấy tự hào, trân quý kiệt tác thiên nhiên mà mình đang chiêm ngưỡng.

Nếu ở câu đề từ đầu tiên đó là lời của một nhà thơ Ba Lan, thì câu đề từ thứ hai lại là câu thơ của Nguyễn Quang Bích “Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu” (Mọi dòng sông đều chảy về đông – chỉ có một sông Đà theo hướng bắc”). Ở lời đề từ thứ hai, nhân vật chính của tùy bút đã xuất hiện. Đó là con sông Đà.

Ở câu thơ của Nguyễn Quang Bích ta thấy sông Đà hiện ra mang một nét riêng không lẫn với những dòng sông khác. Ở sông Đà ngay từ hướng chảy riêng biệt của nó đã gợi ra một cá tính mạnh mã, dữ dội. Dòng sông ấy đã có không ít lần đi vào các trang thơ. Thượng thư Tôn Thất Thuyết từng viết:

“Lòng trung không nỡ bỏ Tây châu

Giữ lấy Thao, Đà dải thượng lưu

Họp đám cô quân nơi viễn cảnh

Cầm ba thước kiếm chém quân thù”

Còn với Tản Đà, đó là con sông

“Núi Tượng trời cho bao tuổi lẻ

Sông Đà ai vặn một dòng quanh?”

(Chơi Hòa Bình -Tản Đà)

Khi phân tích hình tượng sông Đà, người đọc nhận thấy dù xuất hiện với những nét chấm phá khác nhau nhưng điểm chung của mỗi nhà thơ khi viết về sông Đà đó đều là cảm hứng bi tráng, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Lời đề từ đã phần nào gợi mở mạch cảm xúc, sự tự hào ngợi ca của tác giả về một dòng sông hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng.

Phân tích hình tượng sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân
Phân tích hình tượng sông Đà trong tùy bút của Nguyễn Tuân

Sông Đà qua vẻ đẹp hung bạo, dữ dằn

Phân tích hình tượng sông Đà thì hình ảnh đầu tiên hiện ra khi nhắc đến sông Đà đó là một dòng sông mạnh mẽ, dữ dội. Sự dữ dội mang tính tự nhiên ấy trong cái nhìn của Nguyễn Tuân đã được nhân cách hóa trở thành một tính cách của dòng sông. Sự dữ dội ấy dường như nằm tập trung ở những vách đá đặc biệt, những quãng ghềnh thác với tiếng nước reo với những tảng đá muôn hình vạn trạng và còn với trận đồ bát quái bày ra giữa dòng sông.

Mở đầu là hình ảnh hùng vĩ của những vách đá dựng đứng “cảnh đá bờ sông, dựng vách thành. Và dẫn đến một điều đặc biệt cho dòng sông Đà, góp phần khiến con sông trở nên đặc biệt hơn so với những con sông khác – “mặt sông chỗ ấy chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”.

Con sông bỗng chốc trở thành một chiếc đồng hồ khổng lồ của tự nhiên. Không chỉ dựng đứng như một vách ngăn mà vách đá nơi đây có chỗ lại “chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu”. Một cách so sánh độc đáo, vừa cho thấy được hóa ra vách đá cũng có vị thế riêng không bị dòng sông chi phối vừa gợi được hình ảnh liên tưởng về vị trí của vách đá so với con sông.

Lòng sông Đà thì lại hẹp đến nỗi “đứng bên bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ nhảy vọt từ bờ này sang bờ kia.”. Những vách đá ngăn lớn đến nỗi khiến tác giả có cảm tưởng “như đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện.”.

Trong quá trình phân tích hình tượng sông Đà, người đọc nhận thấy Nguyễn Tuân không miêu tả trực tiếp độ cao hay sự đồ sộ của vách đá nhưng qua những hình ảnh so sánh, ta cảm nhận rõ được sự đồ sộ của vách đá nơi đây. Cách lựa chọn hình ảnh và miêu tả của Nguyễn Tuân đã gây ấn tượng không chỉ về thị giác mà còn về cả xúc giác gây nhiều bất ngờ.

Tiếp nối những vách đá là những quãng ghềnh thác dữ dội, đã để lại một ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Ở mỗi quãng thác khác nhau, sự hung bạo ấy lại được thể hiện bằng những nét chạm khắc khác nhau.Đầu tiên đó là quãng mặt ghềnh Hát Loóng “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”, quãng này nếu người lái đò khinh suất tay lái “thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”.

Kết cấu trùng điệp liên tiếp đã tạo ra một hiệu ứng đặc biệt, nhấn mạnh vẻ đẹp dữ dội liên tiếp của đá, sóng, gió. Hết lớp này đến lớp khác nối tiếp nhau không ngừng cứ kéo dài kéo dài mãi. Đến quãng thác tiếp theo không còn là đá và gió mà là những cái hút nước khủng khiếp như chực chờ để nuốt chửng chiếc thuyền.

Đó là sự xuất hiện của ghềnh thác quãng Tà Mường Vát phía dưới Sơn La với “những cái hút nước giống cái giếng bê tông… nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”, hoặc với “những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào”. Không còn là sự hùng tráng của cảnh vật đơn thuần mà những cái hút nước ấy đã gây ra bao khó khăn thử thách cho người lái đò.

Sự nguy hiểm được miêu tả một cách cụ thể “Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vút biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mười phút sau mới thấy tan xác ở khuỷu sông dưới”. Con thuyền đi vào ghềnh thác này nếu không cẩn thận không chỉ thiệt hại về tài sản mà còn có khả năng thiệt hại cả về tính mạng.

Miêu tả cụ thể, chi tiết quá trình từ “trồng cây chuối ngược” đến “tan xác” còn con thuyền, Nguyễn Tuân đã đem đến cho người đọc một cái nhìn cụ thể cận cảnh như những thước phim quay chậm mà chính ông cũng đã tưởng tượng trong đầu về những cảnh quay nơi ghềnh thác này.

Phân tích hình tượng sông Đà, người đọc còn nhận bị ấn tượng bằng những ngọn thác với tiếng nước“réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi như lại khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo.” Mỗi âm thanh của tiếng thác van lên như đang nói với chiếc thuyền một điều gì đó.

Trong tiếng thác nước, ta nghe được vừa có cả âm thanh rền vang giữa không gian vừa có cả những cung bậc cảm xúc của thác nước. Nó không lặp lại một cách đơn điệu mà đầy mọi rung cảm từ nhẹ nhàng oán than đến kiêu căng thách thức người lái đò. Sông Đà hiện lên sống động như một con người mà cách biểu lộ cảm xúc bằng âm thanh.

Và đó còn là cả một bản hòa ca dữ dội “thế rồi nó rống lên như tiếng hàng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuôn rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Nguyễn Tuân so sánh tiếng nước thác với một hình ảnh phong phú trải qua ba chặng, âm thanh như hàng ngàn con trâu mộng, như rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, như rừng lửa gầm thét.

Ba thanh âm hòa kết vào nhau cùng cộng hưởng để diễn tại sự dữ dội của sóng nước nơi đây. Nước với lửa được biết đến là cặp đôi trái ngược nhau nhưng trong trường liên tưởng của mình, Nguyễn Tuân lại so sánh sự dữ dội của nước bằng sự bùng cháy của lửa tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ đến bất ngờ.

Phân tích hình tượng sông Đà, người đọc cũng cảm nhận được có lẽ đáng sợ nhất của sông Đà chính là đá ngầm nơi đây.Trên sông hòn chìm, hòn nổi, cả một chân trời đá nằm yên ắng đúng vị trí mai phục của mình chỉ chờ chiếc thuyền xuất hiện là chúng sẽ lập tức thực hiện vai trò của mình “một số hòn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”.

Mỗi hòn đá không giống nhau mà được chạm khắc mang một vẻ đẹp riêng của tạo hóa. Chúng không trầm tư tĩnh tại vô cảm như ta vẫn thường nghĩ mà “Mặt hòn nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhanh nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này”. Đá cũng không rơi vào thế bị động mà chúng tự chọn cho mình, tự quyết định vai trò vị trí của mình “nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé”.

Phân tích hình tượng sông Đà, ta thấy người lái đò đã phải đương đầu cùng ba vòng thạch trận đầy nguy hiểm. Vòng vây một, sông Đà và đá thác hiện lên như một đội quân có chiến lược.

Những hòn đá bệ vệ oai phong hiện lên như một vị tướng với thái độ thách thức, xem thường đối thủ của mình “Một hòn ấy trông nghiêng thì y như đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào”.

Bên cạnh những viên tướng đá ấy, đội quân còn có cả sự thanh viện cổ vũ của dòng nước xiết “Nước bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt”. Nước sông Đà hiện lên như thể quân liều mạng xông vào trận chiến với ông lái đò dốc toàn lực để hạ gục ông lái.

Ở vòng vây thứ hai, tuy thất bại ở vòng vây đầu nhưng không vì thế mà con sông mất đi thanh thế của mình. Phân tích hình tượng sông Đà, ta thấy lúc này dòng sông lập tức thay đổi chiến thuật, bố trí lại cửa sinh, cửa tử. Dòng nước vẫn mạnh mẽ “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá”. Một lần nữa xuất trận nhưng dòng sông lại phải thất bại trong tiếc nuối trước sự nhanh nhẹn lão luyện của ông lái đò khi ông đã chọn đúng cửa sinh mà tiến thẳng đến.

Điều đó khiến “Bốn năm bọn thủy quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra định níu thuyền lôi vào tập đường cửa tử” nhưng mọi thứ đã quá khứ. Đá nước sông Đà tuy vẫn còn khiêu khích ông lái nhưng giờ đây “thằng đá tướng đứng chiến ở cửa đã tỉu nghiu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy”.

Đá thác nơi đây cũng biết buồn biết tục nhục trước sự thất bại của mình. Vòng vây cuối cùng, dường như thác nước đã bắt đầu thấm mệt trong cuộc chiến. Và ông lái đò không hề nghỉ ngơi phút nào nên sông Đà phải tiếp tục bước vào cuộc chiến thứ ba. Nó dường như chỉ kịp bố trí lại vị trí cửa tử, cửa sinh lại mà thôi.

Phân tích hình tượng sông Đà, người đọc cũng phát hiện ra Nguyễn Tuân đã sử dụng thành công phép nhân hóa khiến sông Đà hiện lên có hành động có tính cách và còn là một vị lãnh đạo tài ba điều binh khiển tướng, vừa có những vui buồn trước chiến thắng thất bại như con người.

Miêu tả những nét hung bạo của sông Đà, nhà văn vừa so sánh liên tưởng từ cảnh thiên nhiên lớn lao đến cuộc sống gần gũi, từ nét tĩnh sang nét động, từ vật vô tri thành vóc dáng con người có tâm địa.

Dường như khi cất bút viết, khi phân tích hình tượng sông Đà, nhà văn đã liên tưởng như chính mình đang đối mặt, đang sống những giây phút căng thẳng, hồi hộp nhất giữa dòng sông hùng vĩ mà hung bạo.

Vẻ đẹp trữ tình và thơ mộng của sông Đà

Bên cạnh sự hùng vĩ có phần hung bạo khắc nghiệt, Nguyễn Tuân còn đem đến cho người đọc một sông Đà êm đềm thơ mộng như một thiếu nữ e ấp lại như một người bạn cố tri. Khi nhà văn bay tạt ngang qua sông Đà, từ trên cao nhìn xuống con sông, điều đầu tiên nhìn thấy là hình dáng như “cái dây thường ngoằn ngoèo”.

Sau đó là “từng nét sông trải ra trên đại dương đá lờ lờ bóng mây” rất tinh tế. Tất cả gợi ra một khung cảnh bình dị thanh bình. Tưởng như tất cả những trận đồ bát quái, bày binh bố trận ở khúc ghềnh thác cheo leo không hề là của dòng sông êm ái này.

Và để rồi cuối cùng ngưng đọng lại trong hình ảnh “sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”.

Câu văn gợi ra một hình ảnh êm đềm nhẹ nhàng mà tinh khiết của dòng sông. Vẻ đẹp của dòng sông còn được điểm tô bởi những bông hoa gạo và càng thêm huyền bí bởi sự xuất hiện của biết bao nhiêu là khói.

Sông Đà như môt người thiếu nữ xinh đẹp mà mái tóc nàng được điểm xuyết bằng những bông hoa gạo thanh thoát, còn gương mặt nàng thì ẩn sâu làn khói mờ ảo. Đây là một hình ảnh thơ mộng đầy lãng mạn khi phân tích hình tượng sông Đà.

Nước sông Đà cũng có sự thay đổi theo mùa. Mỗi mùa dòng sông lại khoác lên mình những bộ tranh phục được dệt bằng tự nhiên. Khi Nguyễn Tuân “nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà” hoặc lúc “xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống dòng nước sông Đà”, ông thấy dòng sông hiện lên như một mĩ nhân hiền dịu đầy xuân sắc với bao sắc màu biến đổi diệu kì: “mùa xuân dòng xanh ngọc bích”, “mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”.

Khi phân tích hình tượng sông Đà, ta thấy đây là con sông tươi đẹp, sinh động biết báo chứ không phải là con sông đen như “thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ta ra đổ mực Tây vài mà gọi bằng một cái tên Tây láo lếu”. Dòng sông luôn biết cách làm mới mình. Mỗi mùa nước sông Đà gắn với một màu sắc nhất định hài hòa với thiên nhiên đất trời. Bao năm vẫn vậy vẻ đẹp ấy vẫn nguyên vẹn trong không gian và thời gian.

Lần sau, khi đi xuyên rừng đến,ông đã gọi sông Đà đến ba lần tiếng “cố nhân”. Biết bao thân thương trong hai tiếng cố nhân ấy. Bởi lẽ sau bao lâu không gặp, đến giây phút hội ngộ không sao giấu nổi sự xúc động “Chao ôi, trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”.

Nguyễn Tuân ấn tượng với cái màu loang loáng của mặt nước “như trẻ con nghịch chiếu gương vào mắt mình rồi bỏ chạy”; và ông bất chợt phát hiện trong cái lấp lánh ấy “sáng lóe lên một màu nắng tháng ba Đường thi “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”.

Cái tình cảm gắn bó thắm thiết với sông Đà không thể nào phai nhòa mà càng thêm gắn bó. Cái cảm xúc nhẹ nhàng tinh tế ấy đã được Nguyễn Tuân khắc họa rõ nét trong câu văn “nó đằm đằm ấm ấm như gặp lại cố nhân, mặc dầu người cố nhân ấy mình biết là lắm bệnh lắm chứng, chốc dịu dàng đấy chốc lại bẳn tính và gắt gỏng thác lũ ngay đấy”.

Phân tích hình tượng sông Đà, ta thấy Nguyễn Tuân còn chú ý vào khung cảnh hai bên bờ sông. Bờ bãi sông Đà rập rờn bay bai chuồn chuồn bươm bướm. Một lần nữa khi thuyền trôi ven bờ, tác giả đã phát hiện được thêm bao nhiêu vẻ đẹp gợi cảm của con sông. Ấn tượng đầu tiên với người nghệ sĩ là sự tĩnh lặng nhẹ nhàng: “Hình như từ đời Lí đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”.

Con sông bây giờ không hẳn chỉ là của hiện tại, nó trôi ngược về quá khứ xa xưa với sự so sánh, liên tưởng đầy bất ngờ của tác giả: “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.” Thời gian không làm vẻ đẹp ấy bị phai nhòa hay bị lãng quên mà càng khiến vẻ đẹp ấy thêm trầm lắng.

Ta có cảm giác tác giả đã nhập thân làm một với cỏ cây sông nước, như say sưa mê đắm với không gian nơi đây để cho hiện dần lên trước ống kính bao vẻ đẹp sinh động. Đó là “nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”, là “cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”, là “một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm”.

Một khung cảnh tươi tắn nhẹ nhàng và thanh tao. Khung cảnh thần tiên ấy dường như khiến con người quên mất thế giới thực tại mà lạc vào một thế giới cổ tích thần tiên. Nhà văn như đã nghe được tiếng nói của con hươu “thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương” cũng như dòng sông “đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi”.

Và từ hiện tại, ông mơ ước đến tương lai nghe một “tiếng còi sương” hoặc “thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên” hòa nhập cùng dòng sông “lững lờ như nhớ thương”. Càng về cuối bức tranh, sông Đà càng đẹp và sống động với “áng cỏ sương”, rồi “đàn có dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bụng trắng như bạc rơi thoi” và “tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biển”.

Cảnh thiên nhiên cứ mở rộng dần bằng vẻ đẹp vừa hiện thực vừa biến ảo trong cái nhìn đắm mình trong mơ mộng của nhà văn. Nhưng vẻ đẹp ấy vẫn mang dáng dấp hơi thở của cuộc sống.

Vẻ đẹp trữ tình và thơ mộng của sông Đà
Vẻ đẹp trữ tình và thơ mộng của sông Đà

Nhận xét về tác phẩm khi phân tích hình tượng sông Đà

Khi phân tích hình tượng sông Đà, người đọc thấy được nhà văn Nguyễn Tuân đã nhìn nhận sông Đà ở nhiều góc độ, thể hiện sự tài hoa độc đáo của ông. Nguyễn Tuân lại một lần nữa chứng tỏ khả năng sử dụng ngôn ngữ bậc thầy. Ông khắc họa sông Đà bằng nhiều kiến thức liên ngành tổng hợp mang đến cho người đọc một cảm nhận rõ nét về sự tài hoa uyên bác của ông.

Nguyễn Tuân nhìn sông Đà như thiếu nữ lại như một cố nhân, vừa hung bạo dữ dội nhưng lại vừa đắm thắm mơ màng. Với ông, thiên nhiên tuyệt mĩ còn đóng góp thêm một vai trò quan trọng, là phông nền để tôn vinh giá trị con người. Qua đó, thể hiện yêu mến quê hương, sự tự hào về vẻ đẹp thiên nhiên quê hương đất nước.

Kết bài: Nguyễn Tuân đã dùng cả tài năng và tấm lòng nhiệt thành của mình để khắc họa hình tượng con sông Đà vừa hung bạo vừa trữ tình. Cách miêu tả dòng sông vừa tài hoa uyên bác vừa pha chút “ngông nghênh” rất riêng của Nguyễn Tuân đã khiến con sông tưởng chừng quen thuộc lại hiện ra trong cái nhìn đầy khám phá, đưa người đọc từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Chính vì lẽ đó đã tạo nên giá trị và khẳng định vị thế của tác phẩm trong loạt các tác phẩm viết về thiên nhiên nói chung, viết về sông Đà nói riêng.

Dàn ý phân tích hình tượng sông Đà trong Người lái đò sông Đà

Mở bài phân tích hình tượng sông Đà

  • Tóm lược những nét chính về tác giả Nguyễn Tuân cùng tùy bút Người lái đò sông Đà.
  • Khẳng định sông Đà là hình tượng kỳ vĩ giúp nhà văn thể hiện được ý nghĩa tác phẩm.

Thân bài phân tích hình tượng sông Đà

  • Câu đề tử cho thấy hình tượng khác lạ của sông Đà.
  • Sông Đà qua vẻ đẹp hung bạo và dữ dằn.
  • Vẻ đẹp trữ tình và thơ mộng của sông Đà.

Kết bài phân tích hình tượng sông Đà

  • Nhấn mạnh hình tượng sông Đà trong ý nghĩa biểu đạt tác phẩm.
  • Bày tỏ những cảm nhận của bản thân khi phân tích hình tượng sông Đà.

Xem thêm:

Như vậy, bài viết trên đây về chủ đề cảm nhận và phân tích hình tượng sông Đà đã giúp bạn có những kiến thức hữu ích về Văn học. Hy vọng bạn sẽ vận dụng linh hoạt bài viết phân tích hình tượng sông Đà trong quá trình học tập của mình. Chúc bạn luôn học tốt!

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

1C bằng bao nhiêu µC? Quy đổi từ Microcoulomb sang Coulomb

Khi nhắc đến đơn vị đo điện tích thì...

1 kN bằng bao nhiêu N? Chuyển đổi Kilonewton sang Newton

Bạn đã từng nghe về đơn vị đo lực...

1kg bằng bao nhiêu hg, mg, µg, lb? Cách quy đổi khối lượng nhanh

Kg là đơn vị được ứng dụng nhiều trong...

1 dag bằng bao nhiêu g? Cách quy đổi từ Đềcagam sang Gam

Trên thực tế, đơn vị đo khối lượng decagram...