Phân tích chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến

Văn họcPhân tích chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến

Ngày đăng:

0
(0)

Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN làm rõ điều đó qua bài viết phân tích chùm thơ về mùa thu của ông.

Phân tích chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến – Bài làm 1

Nguyễn Khuyến là nhà thơ lớn cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX của nước ta. Thơ ông đậm đà tính dân tộc và mang một phong cách riêng khó lẫn. Có ý kiến cho rằng: Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ đặc sắc của làng cảnh Việt Nam. Điều đó thể hiện rất rõ qua những sáng tác về thiên nhiên, nhất là qua chùm thơ: Thu vịnh, Thu điếu và Thu ẩm.

Đáng lưu ý là các chi tiết trong ba bài thơ này cũng như nhiều bài thơ khác đều rút ra từ cảnh vật ở quê hương tác giả, một vùng đồng chiêm trũng quanh năm ngập nước, trong làng vô số ao chuôm với những bờ tre quanh co bao bọc những mái rạ nghèo.

Tình yêu quê hương, sự hiểu biết tường tận về làng quê kết hợp với hồn thơ đằm thắm, tinh tế của tác giả đã sáng tạo nên những vần thơ bất hủ về mùa thu nơi thôn dã của đồng bằng Bắc Bộ. Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến không phải là những hình ảnh trừu tượng, ước lệ thường thấy trong thơ cổ điển mà là những cảnh vật bình dị, thân quen ở nông thôn. Cái hồn của cảnh vật thấm sâu vào tâm hồn nhà thơ, đồng điệu với tâm trạng u buồn, trăn trở của ông.

Ba bài thơ, ba cảnh thu khác nhau nhưng hợp lại thành một bức tranh hoàn chỉnh về mùa thu với những nét đặc trưng nhất.

Thu vịnh vẽ nên toàn cảnh thu với bầu trời xanh ngát, cao vời vợi, mấy cần trúc cong cong, nhè nhẹ đung đưa trước làn gió hắt hiu. Tiết thu se lạnh, sương khói bảng lảng phủ trên mặt ao hồ lúc sáng sớm và chiều tối khiến cho khung cảnh thực trở nên huyền ảo:

“Trời thu xanh ngắt mấy từng cao,
Cần trúc lơ phơ, gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.”

Nét đẹp của mùa thu tụ lại ở bầu trời xanh ngắt, ở làn nước biếc thấp thoáng khói sương, ở ánh trăng thu bàng bạc tràn qua song cửa, gợi nên khung cảnh quen thuộc của một miền quê yên ả, thanh bình.

Nhà thơ quan sát rất kĩ chuyển biến tinh tế của cảnh vật trong những thời điểm khác nhau của một ngày. Tất cả đều gần gũi, gắn bó và đồng điệu với tâm hổn nhạy cảm của thi nhân.

Ở Thu điếu, khung cảnh không mở ra mà thu nhỏ lại. Ao đã nhỏ, chiếc thuyền câu cũng nhỏ: Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo. Mọi hoạt động cũng hết sức nhẹ nhàng: Sóng biếc theo làn hơi gợn tí, Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo. Gió heo may chỉ đủ sức bứt lìa những lá tre, lá trúc vàng úa và lá rơi không thành tiếng. Trên cao, trời xanh ngắt một màu, tầng mây lơ lửng như đứng im một chỗ và ông câu với cái dáng ngồi tựa gối ôm cần cũng như cố thu mình cho nhỏ lại. Yên lặng bao trùm lên hết thảy, đến nỗi nghe được cả tiếng cá đâu đớp động dưới chân bèo. Âm thanh ấy càng làm tăng thêm phần yên lặng, ông câu thu mình bất động phải chăng cũng là để tan hòa vào trời đất xung quanh.

Mùa thu trong Thu ẩm lại hiện ra với một vẻ đẹp khác. Nhà thơ uống rượu một mình dưới trăng. Hình ảnh làng quê biến hiện theo cái nhìn, cái cảm dần dần thấm độ say của rượu, vẫn là ba gian nhà cỏ, ngõ tối, làn ao, bóng trăng, da trời… thường ngày quen thuộc đến mức chẳng có gì đáng chú ý, nhưng đó là những cảnh, những vật từ đất này mà ra, thiếu nó thì hình như không còn gì là làng xóm tự nghìn xưa. Vậy mà với tâm trạng u buồn sẵn có, lại được men rượu ngấm vào khơi lên, nhà thơ thấy cảnh vật nhòe dần theo con mắt ngà ngà: nhà thì thấp le te, đóm thêm lập loè, bóng trăng thì loe, mắt cũng đỏ hoe và người cũng say nhè.

“Ba gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu, đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.”

Nghĩa là cảnh vật cũng như lảo đảo, chếnh choáng men say. Người say bởi rượu thì ít mà bởi buồn đau, day dứt và giận mình bất lực trước thời thế thì nhiều. Gác bút lại không làm thơ nữa, quên mình trong mộng, đắm chìm trong yên lặng hay uống rượu đến say nhè để quên bớt nỗi chua chát đắng cay… đều cùng xuất phát từ tâm tư ấy, tuy nhiên nó vẫn được ẩn giấu ở bên trong.

Nét chung nhất của ba bài thơ Thu đều quy tụ vào việc tả cảnh vật thân thuộc, đơn sơ mà dung dị, đáng yêu của làng cảnh Việt Nam. Cái nhìn trên bề mặt cùng cái hồn đồng quê hiện lên rất rõ trong từng câu, từng chữ. Cái tình của nhà thơ cũng thật đằm thắm và tinh tế. Trong những năm tháng cáo quan về ở ẩn tại quê nhà, chỉ có thiên nhiên gần gũi, trong sạch, nên thơ mới giúp Nguyễn Khuyến khuây khỏa đôi lúc trong khi nỗi buồn thời cuộc thường xuyên đè nặng trái tim ông.

Ba bài thơ Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm tạo thành một chùm thơ thu tuyệt đẹp, thể hiện nét tài hoa của ngòi bút cụ Tam Nguyên, tiêu biểu cho hồn thơ dung dị, thẳm sâu, đầy chất trữ tình. Bạn đọc Việt Nam yêu thơ Nguyễn Khuyến, yêu quê hương một phần là từ những bài thơ đó.

Phân tích chùm thơ về mùa thu của Nguyễn Khuyến – Bài làm 2

Nếu như Xuân Diệu được mệnh danh là ông hoàng thơ tình thì Nguyễn Khuyến được mệnh danh là nhà thơ của làng cảnh Việt Nam. Thật vậy thơ ông luôn tràn ngập những hình ảnh quen thuộc của làng quê đất nước ta. Nguyễn Khuyến làm quan được một thời gian thì trở về quê sớm hay chính là ông lui về ở ẩn. Sở dĩ như vậy là do ông chán ghét những ngang tai trái mắt khi quân ta bị Pháp xâm lược. Và chính quyết định đó đã quyết định đến sáng tác của nhà thơ, về ở ẩn nhà thơ cũng giống như bao nhà nho khác tìm đến thiên nhên, làm bạn với thiên nhiên. Chính vì thế Nguyễn Khuyến được biết đến là một nhà thơ trữ tình của thiên nhiên làng cảnh Việt Nam. Có thể nói thơ ông không chỉ có cảnh mà còn có tình, cảnh đẹp bao nhiêu thì tình nặng bấy nhiêu. Đặc biệt hơn ông rất nổi tiếng với chùm thơ thu của mình, và tất nhiên trong chùm thơ ấy vừa có cảnh lại vừa mang đậm chất tình.

Trước tiên ta đi tìm hiểu và khám phá về cảnh thu trong thơ Nguyễn Khuyến. Thơ ông nhẹ nhàng đằm thắm, không ồn ào mà lặng lẽ đến bất ngờ. Sự im ắng của cảnh vật làm cho thơ thu của ông mang đầy màu sắc buồn bã, tĩnh lặng.

Cảnh thu hiện lên với những hình ảnh mùa thu ở làng quê Việt Nam đẹp một cách giản dị mà rất đỗi thơ mộng và thu hút lòng người. Cảnh thu hiện lên mang đầy nét thân thuộc mộc mạc, không gian làng quê hiện lên như:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Đó là một thiên nhiên thu đầy thân thuộc tỏng bài thơ thu điếu của tác giả, hình ảnh của làng quê hiện lên nên thơ nhưng cũng đẹp đến mộng mị trí óc của người ngắm nó. Cảnh vật hiền lành như khiến cho con người ta dẫu có độc ác, cáu giận đến đâu cũng nao lòng hiền đi để tâm hồn yêu thương quay trở lại. Hình ảnh thơ như “ ao thu lạnh lẽo”, một chiếc thuyền rồi sóng khẽ gợn, một chiếc lá vàng lơ đãng đáp xuống mặt đất kia. Hay cả những hình ảnh thân thuộc như ngõ trúc, ao bèo lẳng lặng. Đó là toàn bộ hình anh thân thuộc mà tuyệt đẹp của cảnh thu Nguyễn Khuyến.

Không những thế cảnh thu với những hình ảnh của làng cảnh Việt Nam còn được Nguyễn Khuyến tiếp tục vẽ lên qua những câu thơ:

“Nam gian nhà cỏ thấp le te,
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe.
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm màu xanh ngắt?
Mấy lão không vầy cũng đỏ hoe.
Rượu tiếng rằng hay, hay chả mấy,
Độ năm ba chén đã say nhè. ”

Những gian nhà những ngõ tối có sâu đóm lập lòa đầy màu sắc, nào giàn giậu, nào ánh trăng chiếu xuống dòng nước kia, rồi lại màu trời xanh ngắt trên cao. Tất cả những thứ ấy đều là những hình ảnh quen thuộc, và cũng chính những hình ảnh ấy đã làm nên một bức tranh thu đẹp. Thật khá khen cho câu: “ Làn ao lóng lánh bóng trăng loe”, một câu và đẹp. thế nào là ánh trăng loe, có thể nói nó mang đầy sự gợi tả để cho người ta thỏa sức tưởng tượng trong trí óc về ánh trăng loe kia. Có thể là ánh trăng ấy chiếu xuống làn nước kia loe rộng ra tuyệt đẹp. Nói chung bức tranh thu của Nguyễn Khuyến luôn lấy tư những gì sẵn có của làng canh đất nước ta. Từ hình ảnh đến màu sắc, từ biện pháp nghệ thuật đến âm thanh trong bức tranh ấy đều thật sự rất tuyệt vời giản dị.

Trong bài thơ Thu Vịnh cũng vậy:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái
Một tiếng trên không ngỗng nước nào?
Nhân hững cũng vừa toan cất bút
Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”

Lại là trời, nước, trúc, trăng, giậu hoa… những thứ ấy một lần nữa được tác giả lấy thi liệu để làm nên tác phẩm của mình. Có lẽ ở trong cảnh nước non trời bể ấy Nguyễn Khuyến thấy yêu những thứ đó, những hình ảnh đó biết bao. Vì thế cho nên trong chùm thơ thu của ông những hình ấy được sử dụng rất triệt để và có hiệu quả. Tất cả làm nên một bức tranh thu đặc trưng cho làng cảnh Việt Nam.

Như vậy có thể thấy qua ba bài thơ thu khác nhau của Nguyễn Khuyến ta thấy được điểm chung trong sáng tác thơ thu của ông là lấy thi liệu từ những hình ảnh rất đỗi quen thuộc của làng quê nơi ông sống. những hình ảnh ấy mang đến vẻ đẹp giản dị, mộc mạc của mùa thu Việt Nam.

Không những thế cảnh thu của Nguyên Khuyến còn mang một điểm chung cũng như một nét đặc trưng cho mùa thu nước ta đó là nhẹ nhàng, tĩnh lặng những hình ảnh hay những âm thanh trong bài thơ đều rất nhẹ nhàng dịu dàng đậm chất thu Việt. đến chuyển động của một chiếc lá cũng thật nhẹ nhàng và giàu sức gợi:

“Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”

Mùa thu là mùa lá rụng nhưng cái sự rụng ấy cũng thật nhẹ nhàng. Chữ “vèo” làm cho người ta nhầm tưởng rằng lá rơi rất nhanh vèo mọt cái lá đáp mình xuống in vào mặt đất thế nhưng không phải thế. vèo ở đây có nghĩa là lá khẽ chao nghiêng lượn vòng nhẹ nhàng rơi xuống. Hay là chuyển động nhẹ nhàng của tiếng cá đớp động dưới chân bèo. Rồi cũng không chỉ có chuyển động những bức tranh thu nhẹ nhàng về màu sắc nào là:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”

Hay

“Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt,
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe.
Da trời ai nhuộm màu xanh ngắt?
Mấy lão không vầy cũng đỏ hoe. ”

Rồi nhẹ nhàng với gam màu xanh lạnh, tầng khói phủ và ánh trăng hiền huyền ảo:

“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao,
Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu.
Nước biếc trông như tầng khói phủ,
Song thưa để mặc bóng trăng vào.
Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái”

Đó là đặc điểm thơ thu của Nguyễn Khuyến, vậy tình thu thì sao? Có thể nói chữ tình tỏng thơ thu của ông được bó gọn trong một từ “ buồn”. Thu đặc trưng vốn dĩ đã buồn nhưng thu trong chính tác giả còn buồn hơn. Những hình ảnh của ba bài thơ thu mang đầy một nỗi buồn lớn, nó không chỉ là nhịp điệu, màu sắc, chuyển động buồn mà hình ảnh mang đầy tâm trạng. những câu như “ ngõ trúc quanh co khách vắng teo” hay “Mấy lão không vầy cũng đỏ hoe” rồi lại “Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt – Làn ao lóng lánh bóng trăng loe” . không những thế lại còn có “Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”.

Chính những hình ảnh cũng mang đầy tâm trạng buồn, mọt cái buồn vu vơ vô cớ. Thế nhưng chính cái buồn vu vơ đó lại trở thành có cớ trong tâm trạng của tác giả. Thật đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”. Chính vì tâm trạng của nhà thơ đang rất buồn và âu lo vì thế cho nên thiên nhiên mà ông đặt bút viết ra cũng rất buồn. Đó là cái buồn trước thực tại, mặc dù đã lui về ở ẩn nhưng nhà thơ vẫn không thể nào yên lòng trước những thay đổi của xã hội khi thực dân Pháp xâm lược. nhà thơ lo cho nhân dân và ái ngại trước những áp bức bóc lột của bọn xâm lược với nhân dân ta. Nguyễn Khuyến luôn trách bản thân mình không thể làm gì giúp cho nhân dân đỡ khổ. Qua đó đồng thời thể hiện tình yêu thiên nhiên của nhà thơ.

Như vậy có thể thấy thơ thu Nguyễn Khuyến không chỉ có cảnh đẹp mà còn có tình đẹp, cảnh đẹp bao nhiêu thì tình nặng bấy nhiêu. Cảnh ở đây là cảnh thu Việt Nam nhẹ nhàng dịu dàng với những hình ảnh quen thuộc của làng quê nhưng lại rất buồn. Tình ở đây chính là nỗi lòng của nhà thơ dành cho quê hương đất nước, dành cho những người dân Việt khi bị áp bức bóc lột. chắc hẳn chính vì những tình, những cảnh ấy đã góp phần làm nên thành công và xứng đáng với danh hiệu nhà thơ của mùa thu dành cho Nguyễn Khuyến.

Xem thêm:

Trên đây là bài viết gợi ý phân tích chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến. Lưu ý là bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, bạn đọc có thể dựa vào đây để phát triển thêm nhiều ý hay, thú vị cho bài viết của mình. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình học tập và rèn luyện. Chúc bạn học tốt nhé!

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

1C bằng bao nhiêu µC? Quy đổi từ Microcoulomb sang Coulomb

Khi nhắc đến đơn vị đo điện tích thì...

1 kN bằng bao nhiêu N? Chuyển đổi Kilonewton sang Newton

Bạn đã từng nghe về đơn vị đo lực...

1kg bằng bao nhiêu hg, mg, µg, lb? Cách quy đổi khối lượng nhanh

Kg là đơn vị được ứng dụng nhiều trong...

1 dag bằng bao nhiêu g? Cách quy đổi từ Đềcagam sang Gam

Trên thực tế, đơn vị đo khối lượng decagram...