Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Văn họcCảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa...

Ngày đăng:

0
(0)

Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sapa của Nguyễn Thành Long giúp người đọc hiểu thêm về cuộc sống vất vả của những con người thầm lặng cùng với những đức tính cao đẹp ở họ. Trong nội dung bài viết dưới đây, hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu và cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa.

Mở bài: Với “Lặng lẽ Sa Pa”, Nguyễn Thành Long đã rất thành công khi khắc họa thành công nhân vật anh thanh niên với đầy đủ những nét đẹp đáng quý. Nhà văn đã tâm tình trong tác phẩm của mình rằng: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của Sa Pa, Sa Pa nếu chỉ nghe tên, người ta đã nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi, có những con người luôn làm việc và lo nghĩ cho đất nước” – và anh thanh niên chính là một người như thế – không chỉ sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư để góp sức vào công việc chung, mà còn rất dễ mến trong mối quan hệ với mọi người.

Giới thiệu về Nguyễn Thành Long và Lặng lẽ Sa Pa

Trong quá trình suy nghĩ cảm nhận về nhân vật anh thanh niên cũng như tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của Lặng lẽ Sa Pa, người đọc cần nắm được những nét chính về tác giả cũng như tác phẩm như sau.

Tìm hiểu nhà văn Nguyễn Thành Long

Nguyễn Thành Long (sinh năm 1925 – mất năm 1991), ông quê ở Quảng Nam và xuất thân trong một gia đình viên chức nhỏ. Nhà văn có khoảng thời gian học tập ở Hà Nội và bắt đầu với sự nghiệp văn học từ thời kháng chiến chống Pháp khi tham gia hoạt động văn nghệ ở Nam Trung Bộ.

Sau khi quân và dân ta đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi bờ cõi đất nước, Nguyễn Thành Long tập kết ra Bắc vào năm 1954 và tham gia biên tập, sáng tác ở các tòa soạn báo và nhà xuất bản. Nhà văn được biết đến là cây bút cần mẫn, nhiệt thành đi sâu vào thực tiễn, tìm kiếm chất liệu từ cuộc đời để phản ánh cuộc đời một cách đầy chân thực.

Nguyễn Thành Long có sở trường chuyên về truyện ngắn và kí. Trong những tác phẩm của mình, ông thường tạo được thiện cảm với người đọc nhờ vào sự chuyển tải những thông điệp bằng những hình tượng đẹp, ngôn ngữ ngọt ngào, giọng văn trong trẻo, gần gũi mà nhẹ nhàng. Năm 1991, Nguyễn Thành Long mất ở Hà Nội vì bệnh nặng.

Đôi nét về tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” được tác giả công bố vào năm 1970 sau chuyến đi thực tế lên Lào Cai trong mùa hè. Tác phẩm được rút từ tập “Giữa trong xanh” (1972). Truyện có cốt truyện khá đơn giản, xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ, ngắn ngủi giữa ba nhân vật là ông họa sĩ, cô kĩ sư trẻ và anh thanh niên làm công tác khí tượng ở Sa Pa. Tuy nhiên, nhờ vào cuộc gặp gỡ đó mà anh thanh niên – nhân vật chính của truyện đã để lại trong lòng những con người xa lạ những suy nghĩ, cảm xúc thật trong sáng, đẹp đẽ.

Thị trấn Sapa mù sương – nơi anh thanh niên mỗi ngày đều lặng lẽ cống hiến
Thị trấn Sapa mù sương – nơi anh thanh niên mỗi ngày đều lặng lẽ cống hiến

Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Suy nghĩ về nhân vật anh thanh niên qua hoàn cảnh sống và làm việc

Thông qua lời giới thiệu của người lái xe, có thể thấy nhân vật anh thanh niên trong truyện có hoàn cảnh sống và làm việc thật đặc biệt: anh sống ở “đỉnh Yên Sơn, cao hai nghìn sáu trăm mét” và “làm công tác khí tượng kiêm vật lí địa cầu”. Cụ thể, công việc của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính chấn động mặt đất, dự vào việc báo trước thời tiết hằng ngày, phục vụ sản xuất, phục vụ chiến đấu”.

Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, ta thấy công việc của một người đòi hỏi tính chính xác, tỉ mỉ và tinh thần trách nhiệm cao. Anh thanh niên bảo “công việc nói chung dễ” nhưng những gì anh chia sẻ về công việc của mình với ông họa sĩ và cô kĩ sư mới thấy nó gian khổ và thử thách sức chịu đựng và tinh thần chiến thắng bản thân của con người đến như thế nào.

Nói như vậy vì thời tiết nơi anh sống thường gây rất nhiều khó dễ cho anh. Có lúc anh phải lấy số liệu vào lúc một giờ sáng, vì:

“ở đây có cả mưa tuyết đấy. Nửa đêm đang nằm trong chăn, nghe chuông đồng hồ chỉ muốn đưa tay tắt đi. Chui ra khỏi chăn, ngọn đèn bão vặn to đến cỡ nào vẫn thấy là không đủ sáng. Xách đèn ra vườn, gió tuyết và cái lặng im ở bên ngoài chỉ chực đợi mình ra là ào ào xô tới”.

Khi cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, người đọc nhận thấy mặc dù những khó khăn đó trong công việc anh đều cố gắng để có thể vượt qua nhưng anh cũng thẳng thắn thừa nhận với những người khách: “cái im lặng lúc đó mới thật dễ sợ: nó như bị chặt ra từng khúc, mà gió thì giống những nhát chổi lớn quét đi tất cả, ném vứt lung tung…”. Công việc lúc ấy khiến anh chịu nhiều vất vả vì “những lúc cái im lặng lạnh cóng mà hừng hực như lửa cháy” và “xong việc, trở vào, không thể nào ngủ lại được”.

Hoàn cảnh sống và làm việc của anh có lẽ ít nhiều khiến người khác phải dè chừng. Công việc nào cũng có những gian khó, thử thách riêng của nó còn công việc mà anh từng giờ, hằng ngày miệt mài làm không chỉ gặp khó khăn do ngoại cảnh hay thời tiết mà nó khiến anh phải sống trong cô đơn, vắng vẻ.

Thử tưởng tượng phải làm việc quanh năm suốt tháng một mình trên đỉnh núi cao không một bóng người rồi những lúc thấy nản lòng, buồn tủi lại không có một ai để chia sớt, san sẻ, động viên. Khi cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, ta thấy đó quả thật là một công việc không hề “dễ” như anh nói.

Thế mà khi có dịp, anh lại chia sẻ những gì về công việc lại trong tâm thế rất bình thản, tuy có một chút chạnh lòng nhưng không hề chán chường và nhất là sau khi giới thiệu xong về nó, anh “trở lại giọng vui vẻ” đầy phấn chấn “báo cáo hết!”. Chính điều kiện làm việc gian khó như vậy mà ta lại cảm thấy rất đỗi khâm phục người thanh niên hai mươi bảy tuổi, tầm vóc tuy bé nhỏ nhưng lại có nét mặt rạng rỡ.

Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, ta nhận thấy trong cái tuổi hai mươi bảy tràn đầy nhiệt huyết và lí tưởng, thường thì người ta sẽ dành để theo đuổi những lí tưởng, khát khao của riêng mình với sự đồng hành của gia đình, sự hỗ trợ từ những người xung quanh để có thể thỏa sức thể hiện với sức trẻ sôi nổi của mình. Và anh thanh niên trong truyện, cũng bằng sự sôi nổi và lòng nhiệt thành của thời son trẻ, lại chọn cho mình một công việc hết sức thầm lặng, ở một nơi vắng vẻ và đặc biệt là chấp nhận hi sinh bản thân để tận tâm, tận sức vì công việc ấy…

Anh thanh niên là người có thức trách nhiệm với công việc

Đối diện với không ít những khó khăn khi chọn công việc ở một nơi cũng có nhiều gian khó, nhưng anh không hề nản lòng mà trái lại, anh có ý thức trách nhiệm rất cao đối với công việc mà mình đã chọn để theo đuổi – Đây là điều rất đáng khâm phục khi cảm nhận về nhân vật anh thanh niên.

Anh thanh niên rất yêu công việc của mình, anh không xem đó là sự hi sinh vô nghĩa mà lại thấy được ý nghĩa của công việc mình làm, nó tuy thầm lặng nhưng cũng mang lại ích lợi cho cuộc sống và cho mọi người. Anh kể lại với ông họa sĩ một kỉ niệm vui mà có lẽ anh sẽ khắc ghi mãi mãi, đó là việc anh đã phát hiện một đám mây khô và nhờ vậy mà “ngày ấy, tháng ấy, không quân ta hạ được bao nhiêu phản lực Mĩ trên cầu Hàm Rồng”.

Chắc hẳn, kỉ niệm ấy có ý nghĩa rất sâu sắc không chỉ với thời điểm đó mà còn với cả cuộc đời làm việc của anh bởi vì nó đã khiến anh “sống thật hạnh phúc”. Anh thanh niên có lẽ đã cảm nhận được giá trị của công việc mình làm và chính điều đó sẽ là nguồn động lực to lớn khích lệ anh có thể vững tâm cống hiến hết mình cho công việc trong những tháng ngày sắp tới.

Khi cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, ta còn nhận thấy đây là chàng trai có những nhận thức rất sâu sắc và ý nghĩa về công việc đối với cuộc đời của mỗi người. Nó dường như trở thành một người bạn và giúp ta không còn cảm thấy cô đơn nữa: “… khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được?”. Anh thấy công việc cũng chính là sợi dây kết nối của anh với những người xung quanh: “việc của cháu gắn liền với công việc của bao anh em, đồng chí dưới kia” và khẳng định chắc chắn một điều, đó chính là lẽ sống của anh, gian khổ anh chấp nhận được nhưng thiếu nó thì anh không thể: “Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.

Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, người đọc nhận thấy với hoàn cảnh sống và làm việc đó của anh đôi khi không phải ai cũng có thể thích nghi được, thậm chí có thể thấy cô đơn và buồn tẻ nhưng anh đã chứng minh điều ngược lại khi tìm kiếm và tạo ra nguồn vui cho chính mình. Anh không hề lo lắng khi sống một mình, theo lời anh nói với cô kĩ sư thì “lúc nào tôi cũng có người trò chuyện. Nghĩa là có sách ấy mà. Mỗi người một vẻ”.

Anh thanh niên có cách sắp xếp, tổ chức cuộc sống của mình ở trạm khí tượng một cách ngăn nắp, chủ động qua đôi mắt quan sát của người họa sĩ lớn tuổi: “Một gian nhà ba gian, sạch sẽ với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm. Cuộc đời riêng của anh thanh niên thu gọn lại một góc trái gian với chiếc giường con, một chiếc bàn học, một giá sách”.

Ngoài việc dành thời gian cho công việc, anh còn trồng hoa, nuôi gà để ít nhiều giúp cuộc sống của mình thêm tươi tắn và rộn rã – Khi cảm nhận về nhân vật anh thanh niên thì điều này đã cho thấy đây là một chàng trai yêu đời yêu cuộc sống. Việc tổ chức, sắp xếp đó của anh đã cho thấy anh là người biết vun vén, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, nó giúp anh sống tích cực và làm việc có hiệu quả hơn.

Là người có sự quan tâm chu đáo và nét dễ thương trong tính cách

Khi cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, ta còn thấy mặc dù tính chất công việc khiến anh thanh niên ít có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều người nhưng khi có dịp, qua cách biểu hiện của anh, ta thấy anh là người rất chu đáo trong cách quan tâm với mọi người và trong mắt họ, anh một chàng trai rất đáng yêu.

Tính cách ấy được bộc lộ ngay từ việc anh nhớ rất kĩ tình trạng sức khỏe của vợ người lái xe. Khi vừa mới gặp lại bác lái xe, anh đã đưa ngay cho bác một gói nhỏ trước sự ngạc nhiên của bác và nói: “Củ tam thất cháu vừa đào thấy. Cháu gửi bác gái ngâm rượu uống. Hôm nọ bác chẳng bảo bác gái vừa ốm dậy là gì?”.

Đến khi mời ông họa sĩ và cô kĩ sư về nhà, anh đã nhanh chân về trước, trong khi người họa sĩ nghĩ rằng: “Khách tới bất ngờ, chắc cu cậu chưa kịp quét tước dọn dẹp, chưa kịp gấp chăn chẳng hạn” thì thật ra anh lại về để cắt hoa và pha trà. Hoa để tặng người khách phương xa và món “nước chè pha nước mưa thơm như nước hoa của Yên Sơn” để khách nhâm nhi, có vẻ anh rất trân trọng những cuộc gặp hiếm hoi nên cẩn thận, chu đáo để thể hiện sự hiếu khách của mình.

Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên, người đọc nhận thấy vì khao khát và trân trọng những phút giây gặp gỡ với mọi người nên anh đã từng đã nghĩ ra một cái cớ rất đáng yêu để được trò chuyện với họ. Câu chuyện ấy được bác lái xe kể lại với thái độ rất trìu mến:

“Cách đây bốn năm, có hôm tôi cũng đang đi thế này chợt thấy một khúc thân cây chắn ngang đường, phải hãm lại. Một anh thanh niên ở đâu chạy đến, hè với tôi và khách đi xe đẩy khúc cây ra một bên cho xe đi. Hỏi ở đây mà ai đẩy cây ra giữa đường thế này, anh chỉ đỏ mặt. Thì ra anh ta mới lên nhận việc, sống một mình trên đỉnh núi, bốn bề chỉ cây cỏ và mây mù lạnh lẽo, chưa quen, thèm người quá, anh ta kiếm kế dừng xe lại để gặp chúng tôi, nhìn trông và nói chuyện một lát”.

Và chỉ cần trông thấy mọi người, dù họ xa lạ với anh, anh đã thân thiện chào họ bằng nụ cười như đã từng gặp và thân quen. Anh trân trọng khoảnh khắc được gặp mọi người và càng trân trọng hơn từng phút giây được trò chuyện với họ. Như trong cuộc trò chuyện diễn ra giữa anh và hai người khách đặc biệt là họa sĩ và cô gái, anh đã chủ động phân chia thời gian và cố gắng làm theo để không phí hoài một giây phút nào vì thời gian của cuộc gặp gỡ ấy có giới hạn:

“Bác lái xe chỉ cho ba mươi phút thôi. Hết năm phút rồi. Cháu nói qua công việc của cháu, năm phút. Còn hai mươi phút, mời bác và cô vào uống nước chè, cho cháu nghe chuyện”, anh cũng thành thật nói về niềm mong muốn: “Cháu thèm nghe chuyện dưới xuôi lắm”.

Nét đáng yêu của anh thanh niên hiện diện ở cử chỉ lịch thiệp khi trao tặng cho cô kĩ sư bó hoa mình cắt dù chỉ gặp lần đầu tiên và cũng giải thích rõ rất thật thà một ý nghĩ thường được giữ thầm kín: “Tôi không biết kỉ niệm thế nào cho thật long trọng ngày hôm nay. Bác và cô là đoàn khách thứ hai đến thăm nhà tôi từ Tết. Và cô là cô gái thứ nhất từ Hà Nội lên tới nhà tôi từ bốn năm nay”.

Hơn nữa, khi được bác họa sĩ vẽ mình, anh thanh niên đã rất khiêm tốn nhận là công việc và những đóng góp của mình chỉ là nhỏ bé mà thôi và nhiệt thành giới thiệu những người khác mà anh cho là đáng cảm phục hơn mình như ông kĩ sư ở vườn rau Sa Pa và anh cán bộ nghiên cứu lập bản đồ sét.

Đáp lại tình cảm của anh, mọi người cũng dành cho anh rất nhiều thiện cảm. Là bác lái xe đã nhớ mua hộ anh quyển sách và cô kĩ sư sau cuộc gặp với anh hình như không kịp chuẩn bị một vật gì để tặng lại anh nên có thể đã cố tình để lại chiếc khăn tay của mình. Và anh đã đón nhận tình cảm đó bằng sự thật thà như việc “mừng quýnh” khi được cầm quyển sách và có khi đến lúc ngô nghê, khi trả lại chiếc khăn cho cô gái vì nghĩ rằng cô để quên.

Cảnh gặp mặt giữa anh thanh niên, ông họa sĩ già và cô kĩ sư
Cảnh gặp mặt giữa anh thanh niên, ông họa sĩ già và cô kĩ sư

Nhận xét tác phẩm khi cảm nhận về nhân vật anh thanh niên

Thông qua tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa”, bằng nghệ thuật xây dựng tình huống truyện, cách miêu tả nhân vật từ nhiều điểm nhìn, cùng với đó là sự kết hợp giữa chất tự sự và chất trữ tình, Nguyễn Thành Long đã giúp người đọc có được những hình dung về cuộc sống và lí tưởng của những người đã và đang làm những công việc thầm lặng để đóng góp cho đời.

Kết bài: Anh thanh niên trong câu chuyện đến cuối cùng chính là hiện thân đầy đủ của một vẻ đẹp lao động bình dị và đáng quý. Ở người thanh niên ấy, người đọc không chỉ cảm nhận được tinh thần ý thức trách nhiệm với công việc trong hoàn cảnh khó khăn mà còn có thể thấy được ở anh những nét tính cách dễ mến trong đời sống với mọi người.

Anh thanh niên đã giúp tác giả phần nào chuyển tải được tư tưởng mà ông gửi vào tác phẩm: khi biết trân trọng giá trị công việc của mình thì con người sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua sự cô độc và những khó khăn để có thể hoàn thành nó và từ đó có thể đem lại ý nghĩa cho đời và niềm vui cho chính bản thân mình.

Dàn ý cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa

Nhằm giúp các bạn nắm được nội dung bài viết, dưới đây DINHNGHIA.COM.VN sẽ giúp bạn lập dàn ý bài viết cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong Lặng lẽ Sa Pa.

Mở bài cảm nhận về nhân vật anh thanh niên

  • Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa.
  • Đôi nét về giá trị nội dung của tác phẩm cũng như một số cảm nhận về nhân vật anh thanh niên.

Thân bài suy nghĩ về nhân vật anh thanh niên

  • Anh thanh niên qua hoàn cảnh sống và làm việc.
  • Sự ý thức trách nhiệm trong công việc ở anh thanh nhiên.
  • Anh thanh niên là người quan tâm chu đáo đến người khác.

Kết bài cảm nhận về nhân vật anh thanh niên

  • Tóm tắt lại giá trị tác phẩm về nội dung và nghệ thuật.
  • Ý nghĩa tác phẩm từ việc suy nghĩ về nhân vật anh thanh niên.
  • Khái quát lại một số cảm nhận về nhân vật anh thanh niên.

Enstein từng nói “Chỉ có cuộc sống vì người khác mới đáng quý”. Cảm nhận về nhân vật anh thanh niên giúp ta trân trọng nhiều hơn những con người đang ngày đêm lặng lẽ cống hiến tuổi trẻ và sức lực cho đất nước. Đồng thời, hình ảnh anh thanh nhiên trong tác phẩm còn khiến mỗi chúng ta không khỏi suy nghĩ về lý tưởng và lẽ sống trong thời đại ngày nay. “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long Sự là kết hợp giữa tự sự, trữ tình và bình luận đã giúp phác họa thành công nhân vật anh thanh niên.

Xem thêm:

Hy vọng với những cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong bài viết trên đã giúp ích cho bạn trong quá trình học tập. Chúc bạn luôn học tốt!

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

1C bằng bao nhiêu µC? Quy đổi từ Microcoulomb sang Coulomb

Khi nhắc đến đơn vị đo điện tích thì...

1 kN bằng bao nhiêu N? Chuyển đổi Kilonewton sang Newton

Bạn đã từng nghe về đơn vị đo lực...

1kg bằng bao nhiêu hg, mg, µg, lb? Cách quy đổi khối lượng nhanh

Kg là đơn vị được ứng dụng nhiều trong...

1 dag bằng bao nhiêu g? Cách quy đổi từ Đềcagam sang Gam

Trên thực tế, đơn vị đo khối lượng decagram...