Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương

Văn họcPhát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư của...

Ngày đăng:

0
(0)

Cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương để thấy tình yêu cũng như sự thương nhớ quê nhà của tác giả. Bên cạnh đó, khi cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư, ta cũng nhận thấy khi nhà thơ càng yêu quê hương “chôn rau cắt rốn” bao nhiêu thì ngày trở về lại thay đổi quá nhiều, choáng ngợp bởi khoảng cách thế hệ đã khiến cho thi nhân lạc lõng đầy chua xót ngay cả khi đã về đến miền nhớ thương trong tâm tưởng. Hãy cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu và phát biểu cảm nghĩ về bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương.

Mở bài: Quê hương xưa nay vốn là một đề tài quen thuộc để nhiều văn nhân thi sĩ bộc lộ những tâm tư, nỗi niềm của mình. Chính tình cảm gắn bó, sự gần gũi thân thương của mỗi người với vùng đất chôn nhau cắt rốn là nguồn cảm hứng bất tận để các nhà thơ có thể viết nên những vần thơ thật xúc động và chân thành về nơi ấy. Với Hạ Tri Chương – một nhà thơ nổi tiếng đời Đường, cũng không ngoại lệ. Trong hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp trở về quê cũ sau nhiều năm xa cách, ông cũng đã dùng chính tình yêu ta thiết dành cho quê hương xứ sở đề viết nên những vần thơ dạt dào cảm xúc trong bài “Hồi hương ngẫu thư”.

Những nét chính về thi nhân cùng tác phẩm

Trước khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư, người đọc cần nắm được đôi nét chính về tác giả cùng tác phẩm.

Tìm hiểu về tác giả Hạ Tri Chương

Hạ Tri Chương (sinh năm 659 – mất năm 744) là một nhà thơ nổi tiếng ở Trung Quốc vào đời Đường. Ông quê ở huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang. Là người học rộng tài cao, ông đã ghi danh mình trong bảng vàng khoa cử ở vị trí tiến sĩ vào năm 695. Sau đó, ông đã có khoảng thời gian làm quan ở kinh đô Trường An tầm 50 năm và nhận được sự trọng dụng, tin tưởng của vua Đường Huyền Tông.

Hạ Tri Chương có biệt tài về văn chương thi phú và có một người bạn thơ rất mực thân thiết là Lí Bạch. Dù Lí Bạch hơn ông đến những bốn mươi tuổi nhưng chính vì tìm được tiếng nói chung trong sáng tác ngâm ngợi nên khoảng cách về tuổi tác không còn là vấn đề trong mối quan hệ gắn bó giữa hai nhà thơ. Vì sự thân tình, ông từng gọi đùa Lí Bạch là “trích tiên” (tiên bị đày).

Trong cuộc sống và trong sáng tác, Hạ Tri Chương là một người có tính tình phóng khoáng, vốn kiến thức uyên bác trí nhớ đặc biệt. Ông để lại cho đời số lượng tác phẩm không nhiều, khoảng 20 bài thơ nhưng đều là những tác phẩm chất lượng và có giá trị.Trong số những sáng tác của Hạ Tri Chương, “Hồi hương ngẫu thư” là bài thơ nổi tiếng và có dấu ấn rất đặc biệt trong lòng người ở lại.

Tìm hiểu về tác giả Hạ Tri Chương
Tìm hiểu về tác giả Hạ Tri Chương

Hoàn cảnh ra đời “Hồi hương ngẫu thư”

Bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” theo một số tài liệu thì được viết vào năm 744. Đây là thời điểm ông trở về quê sau một khoảng thời gian dài làm quan ở kinh đô. Chuyến về quê lần này của ông đã để lại nhiều lưu luyến cho nhà vua, thái tử và bạn bè của ông ở kinh đô.

Thế nhưng, nỗi niềm mong ngóng về nơi cũ chốn xưa không lúc nào nguôi ngoai trong lòng dù phải làm việc ở nơi xa cách đã thôi thúc bước chân ông tìm về như để có một chút bình yên, êm ả trong những ngày tháng còn lại của cuộc đời. Chỉ tiếc là, khi trở về quê, ông đã bước sang tuổi thứ 85 nên những người sống cùng thời với nhà thơ không còn ai nữa, ông rơi vào tình cảnh bị xem là người khách lạ trên chính quê hương của mình.

Cảm nghĩ về bài thơ hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư, ta thấy ngay từ nhan đề, ta có thể cảm nhận được phần nào tâm trạng và tình cảm của nhà thơ thông qua tình huống đặc biệt. Đó là hoàn cảnh “hồi hương” (trở về quê hương). Trong hoàn cảnh ấy, nhà thơ đã viết nên bài thơ. Hạ Tri Chương có lẽ vì không có chủ định làm thơ khi đặt chân về lại quê nhà nên trong nhan đề có xuất hiện từ “ngẫu thư” (“ngẫu nhiên viết”).

Và lí do để nhà thơ sáng tác được hé lộ khi người đọc đọc xong bài thơ và biết được duyên cớ được tạo nên bởi sự bất ngờ khi tác giả bị coi là “khách”. Thế nhưng, nếu chỉ là duyên cớ ngẫu nhiên thì tác giả khó có thể viết nên những câu thơ xúc động và chân thành đến vậy. Duyên cớ viết đúng là ngẫu nhiên nhưng tình cảm được thể hiện trong bài viết lại là những tình cảm sâu sắc, thường trực trong lòng mà chỉ cần có cơ hội là trào dâng mãnh liệt.

Thế nên, việc dùng từ “ngẫu” trong cách đặt nhan đề đã tạo nên ấn tượng ban đầu trong lòng người đọc, tuy “ngẫu nhiên” thể hiện nhưng đó lại là những tình cảm chân thành, sâu đậm được dưỡng nuôi và gìn giữ tự bao đời.

Cuộc đời xa quê đằng đẵng và sự trở về của nhà thơ

Với câu thơ mở đầu khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư, ta có thể cảm nhận được tác giả dường như đang tự sự về quãng đời của mình từ lúc rời quê và khi đến ngày trở về:

“Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi”

Dịch nghĩa:

“Rời nhà từ lúc còn trẻ, già mới quay về”

Chỉ với một câu thơ nhưng lại có tác dụng như một cuốn phim cuộc đời dựng lại hình ảnh của chính tác giả trong ngày bắt đầu rời quê và sau khi đã trải qua biết bao nhiêu những đắng cay, thăng trầm của cuộc đời thì đến khi trở về, người có một niềm xúc động khôn tả. Quê hương qua biết bao tháng năm vẫn hiện hữu ở đó chỉ có người rời đi năm xưa là đổi khác, không còn mang cái dáng vẻ hăm hở, sôi nổi của một thời “thiếu tiểu”, bởi nắng gió cuộc đời, mái tóc xanh ngày xưa nay đã được điểm bạc để ngày trở về trong dáng dấp của “lão đại”.

Thời gian trôi như chớp mắt, thoắt cái đã hết cả đời người. Nếu ngày xưa, quê hương là điểm xuất phát để người trai thực hiện những hoài bão, ước mơ thì đến khi hoàn thiện lí tưởng của cuộc đời, con người ấy trở lại với quê cha đất tổ. Trước khoảnh khắc ấy, quả thật dễ khiến cho con người nảy sinh biết bao nhiêu là tâm tư, nỗi niềm.

Khi cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư, ta thấy trong câu thơ đầu tiên này, tác giả đã sử dụng hiệu quả biện pháp tiểu đối để khái quát lại một quãng thời gian rất dài của cuộc đời một con người. Đây là đặc điểm nghệ thuật rất đặc trưng trong thơ Đường. Ở câu thơ thất ngôn này, bốn chữ trước đã tạo thành một vế đối lại với ba chữ sau.

“Thiếu tiểu li gia” được đối với “lão đại hồi”. Sự đăng đối được thể hiện ở cả phần ý và phần lời. Về ý nghĩa, nếu như vế đầu đề cập việc tuổi trẻ rời quê đi thì vế sau nói việc tuổi già trở về quê. Về mặt hình thức, vế đầu có cấu tạo là cụm chủ – vị (“thiếu tiểu”: chủ ngữ; “li gia”: vị ngữ) thì vế sau cũng có kết cấu là một cụm có đầy đủ chủ, vị (“lão đại”: chủ ngữ, “hồi”: vị ngữ).

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư sẽ thấy sau khi khái quát lại hành trình cuộc đời của mình qua câu thơ thứ nhất, nhà thơ đã cụ thể hóa sự thay đổi của con người giữa lúc ra đi với ngày trở về:

“Hương âm vô cải mấn mao tồi”

Dịch nghĩa:

“Giọng quê không đổi, nhưng tóc mai đã rụng.”

Câu thơ diễn tả sức mạnh của thời gian có thể làm thay đổi hình hài vóc dáng của con người. Đó là lẽ tất yếu khó có thể tránh khỏi. Thời gian có thể khiến mỗi người trở nên già đi, héo hon hơn. Không chỉ đơn thuần là “tóc mai đã rụng” mà ngay cả hình dáng, thần sắc của gương mặt cũng chắc chắn đổi khác. Đến thời điểm ấy, con người chỉ có thể tiếc nuối, xót xa nhưng lại không thể có cách nào ngăn trở bước đi của thời gian chỉ để níu giữ tuổi xuân của mình.

Tuy nhiên, có một điều mà thời gian dù có năng lực siêu nhiên đến đâu cũng không thể khiến điều này thay đổi nơi một người có tình yêu đậm sâu với quê hương xứ sở. Đó là tiếng nói quê hương. Đã xa quê đến mấy chục năm, đúng là hình hài, vóc dáng có thể đổi thay, thậm chỉ là tàn tạ nhưng giọng quê vẫn không một chút gì đổi khác, không hề pha lẫn tạp giọng của nơi đất khách. Đây chính là minh chứng cho thấy con người ấy dù cho có sống đời phú quý chốn kinh kì phồn hoa nhưng vẫn luôn hướng về quê hương và có ý thức trân trọng những gì vốn thuộc về gốc gác, tổ tiên.

Câu thơ thứ hai cũng sử dụng phép tiểu đối để diễn tả sự đối lập giữa cái đổi thay tất yếu (“mấn mao tồi”) với cái nguyên vẹn (“hương âm vô cải”). Tuy nhiên, chính cái thay đổi là mái tóc kia đã có vai trò làm nổi bật yếu tố không thay đổi là tiếng nói quê hương. Cách sử dụng phép đối độc đáo này vừa có tính chân thực nhưng vừa mang ý nghĩa tượng trưng và đã góp phần thể hiện tình cảm gắn bó đậm sâu với quê hương của con người.

Cuộc đời xa quê đằng đẵng và sự trở về của nhà thơ
Cuộc đời xa quê đằng đẵng và sự trở về của nhà thơ

Tình cảnh trớ trêu và sự lạc lõng của nhà thơ

Những tưởng “giọng quê không đổi” kia sẽ giúp tác giả thêm phần tự tin trong lần trở về với quê cũ, sẽ được chào đón mặc dù rời xa đã lâu nhưng có nào ngờ:

“Nhi đồng tương kiến, bất tương thức

Tiếu vấn: khách tòng hà xứ lai?”

Dịch nghĩa:

“Trẻ con gặp mặt, không quen biết

Cười hỏi: Khách ở nơi nào đến?”

Khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư, ta thấy nhà thơ trở về chốn cũ với tâm trạng mong đợi, bồi hồi nhưng khi đến nơi thì không gặp ai quen biết. Ông tình cờ gặp lũ trẻ và chúng đã hỏi ông một câu hết sức vô tư, hồn nhiên: “Khách ở nơi nào đến?”. Câu hỏi của những đứa trẻ dành cho người chúng gặp là câu hỏi bình thường khi chúng có thắc mắc. Tuy nhiên, sự vô tư của con trẻ có lẽ đã khiến cho người được hỏi có chút chạnh lòng.

Sau bao nhiêu năm rời xa quê cũ đến ngày trở về, người ra đi năm nào trở thành một người khách lạ trên chính quê hương của mình. Từ “tiếu vấn” cho thấy được nét ngây thơ của trẻ con nhưng lại vô tình làm cho người hiện diện trước chúng cảm thấy ngậm ngùi, buồn bã và chua xót.

Đón chào nhà thơ là sự niềm nở, hiếu khách của các em nhi đồng nhưng thật là trớ trêu vì đó là sự đón chào mà tác giả không hề ngờ tới. Hóa ra sự thay đổi về hình dáng bên ngoài lại khiến cho tác giả thay đổi cả thân phận: từ chủ thành khách trên chính quê hương.

Ta như thấy được sự khác nhau về giọng thơ giữa hai câu thơ đầu và hai thơ cuối. Nếu như hai câu thơ đầu phảng phất nỗi buồn vì thời gian cuộc đời đã diễn ra thật nhanh, thế nhưng người rời quê vẫn trong tâm trạng phấn khởi khi được trở về quê cũ thì hai câu thơ sau dù sử dụng những hình ảnh, từu ngữ diễn tả âm thanh vui tươi nhưng lại chất chứa sự xót xa, buồn tủi.

Có rất nhiều lí do khiến cho nhà thơ chịu sự buồn bã ấy. Đó có thể là nỗi buồn vì bản thân trở thành người xa lạ nơi cố hương trong cuộc “hồi hương”, buồn vì những người xưa cùng thời không còn hiện hữu nhưng biết đâu lại cũng có thể là nỗi buồn vì kín đáo nhận ra sự đổi khác so với trước kia của quê nhà. Như vậy phía sau lời tường thuật tưởng chừng là khách quan, hóm hỉnh ở hai câu thơ cuối lại làm thấp thoáng ẩn hiện một giọng điệu bi hài.

Đánh giá khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư sẽ thấy tác phẩm được thể hiện bằng một hình thức ngắn gọn nhưng thể hiện xúc động tình yêu quê hương thắm thiết của một người tha hương. Góp phần thể hiện được hiệu quả nội dung nói trên là việc nhà thơ đã có sự kết hợp rất khéo léo giữa yếu tố tự sự, trữ tình và đặc biệt thành công trong việc sử dụng tinh tế phép đối về cả ý và lời trong câu thơ.

Kết bài: Như vậy, chỉ với với số lượng chữ hạn hẹp của thể thất ngôn, Hạ Tri Chương đã giúp người đọc có thể cảm nhận được tâm trạng và tình quê của tác giả trong khoảnh khắc đặt chân về chốn cũ. Dù cho có sống xa quê lâu ngày thì có lẽ tình cảm sâu đậm, tha thiết dành cho quê hương vẫn luôn thường trực trong tâm hồn nhà thơ. “Đọc bài thơ ta gặp gỡ một tâm hồn”, câu nói ấy quả không sai. Hạ Tri Chương để lại dấu ấn trong lòng người đọc cũng vì tình cảm ấy.

Đánh giá khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư
Đánh giá khi phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư

Dàn ý cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư

Cùng tìm hiểu về dàn ý phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư sẽ giúp bạn nắm được nội dung chính của bài cũng như ý nghĩa của tác phẩm.

Mở bài cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư

  • Đôi nét khi giới thiệu về nhà thơ Hạ Tri Chương cùng tác phẩm Hồi hương ngẫu thư.
  • Tóm tắt ý nghĩa và nét đặc sắc trong nội dung cùng nghệ thuật của bài thơ.
  • Cảm nghĩ khái quát của bản thân khi cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư.

Thân bài cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư

  • Nêu ý tóm tắt về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
  • Sự trở về của nhà thơ sau thời gian dài xa cách.
  • Sự lạc lõng đau xót của nhà thơ trong tình cảnh trớ trêu.

Kết bài cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư

  • Tóm tắt lại giá trị nội dung cùng nghệ thuật của bài thơ.
  • Ý nghĩa của quê hương – nơi “chôn rau cắt rốn” với mỗi người.
  • Bày tỏ suy nghĩ của bản thân khi cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư.

Có thể thấy, bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương đã cho thấy những xúc cảm chân thực nhất của chính tác giả trong chuyến về thăm quê sau những năm tháng dài xa cách. Hình ảnh về nhân vật trữ tình trong tác phẩm cũng chính là hình ảnh của nhà thơ. Một tác giả nặng lòng với nơi “chôn rau cắt rốn” với quê hương xứ sở của mình. Một tình yêu tha thiết và sâu nặng ấy đã khiến nhà thơ cảm thấy chua xót, lạc lõng trong ngày trở về.

Dàn ý cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư
Dàn ý cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư

Xem thêm:

Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Hồi hương ngẫu thư đã cho ta sự đồng cảm với nỗi niềm của Hạ Tri Chương. Trên đây là những ý văn hay dành cho bạn khi tìm hiểu về bài thơ. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan đến chủ đề “cảm nghĩ về bài Hồi hương ngẫu thư”, đừng quên để lại ở nhận xét bên dưới nhé. Chúc bạn luôn học tốt!.

Bạn thấy bài viết này hữu ích chứ?

Hãy chọn vào ngôi sao để đánh giá bài viết

Đánh giá trung bình 0 / 5. Lượt đánh giá 0

Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết

Hãy để lại bình luận

Xem nhiều

Bài tin liên quan

1km2 bằng bao nhiêu hm2? Quy đổi Kilômét vuông sang Héctômét vuông

Ki-lô-mét vuông và héc-tô-mét vuông là đơn vị đo...

Kg/cm2 là gì? Quy đổi kg/cm2 sang kN/m2, MPa, t/m2, psi, kPa, bar

Các đơn vị đo áp suất thường được ứng...

1 hg bằng bao nhiêu kg? Quy đổi từ Héctôgam sang Kilôgam

Đơn vị đo khối lượng hg và kg không...

1kg bằng bao nhiêu tạ, gam, tấn, yến? Cách đổi đơn vị kilogam

Trong cân lường, đơn vị ki-lô-gam thường được chuyển...