Nhiễm trùng máu rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến tính mạng của con người. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở trẻ nhỏ và cả người lớn nên bạn cần biết thông tin cơ bản về nó. Vậy nhiễm trùng máu là gì? Căn bệnh này có triệu chứng ra sao? Cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Nội dung bài viết
Nhiễm trùng máu là gì?
Nhiễm khuẩn huyết hay nhiễm trùng máu là một căn bệnh khi toàn bộ cơ thể phải phản ứng với sự hiện diện của vi khuẩn trong máu. Các trường hợp nhiễm trùng máu nặng có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng và tử vong nhanh chóng.

Nguyên nhân nào gây ra nhiễm trùng máu?
Nguyên nhân do các loại nhiễm trùng khác
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra nhiễm trùng máu, nhưng các nguyên nhân dưới đây thường dễ gây bệnh hơn:
- Phổi bị viêm.
- Đường tiêu hóa bị nhiễm trùng.
- Thần kinh trung ương bị nhiễm trùng.
- Ống thông tĩnh mạch bị nhiễm trùng, mô tế bào bị viêm.
- Thận, bàng quang hoặc các bộ phận khác của đường tiết niệu bị nhiễm trùng.
- Du khuẩn huyết (bacteremia).

Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
Ai cũng có thể bị nhiễm trùng huyết, nhưng những đối tượng dưới đây là những người dễ mắc bệnh hơn:
- Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người già (65 tuổi trở lên), phụ nữ có thai.
- Những người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc các bệnh tiềm ẩn khác như tiểu đường, bệnh phổi, ung thư, bệnh thận.
- Những người có hệ thống miễn dịch suy yếu do nhiễm HIV hoặc do hóa trị liệu ung thư.
- Người đang ở trong phòng cấp cứu hoặc đã được nhập viện trong một thời gian dài.
- Người thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị xâm lấn (ống thở, ống thông).
- Những người bị thương nặng như bỏng hoặc thương tích nghiêm trọng.
- Những người đã sử dụng thuốc kháng sinh hoặc corticosteroid.

Triệu chứng của bệnh nhiễm trùng máu
Bệnh nhiễm trùng máu có những triệu chứng sau:
- Với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ: Da, môi và lưỡi xanh, nhợt nhạt hoặc có đốm. Khó thở hoặc thở quá nhanh. Bị tiêu chảy, tiểu ít, bụng sưng lên. Bú chậm, tiếng khóc yếu, ngủ nhiều hơn bình thường. Nhịp tim rối loạn, co giật, nôn mửa. Da và mắt bị vàng.
- Với người lớn: Không tỉnh táo, nói chậm hoặc không rõ. Da, môi và lưỡi nhợt nhạt và có đốm. Có phát ban mờ. Khó thở hoặc thở rất nhanh.

Trường hợp nào thì nên liên hệ ngay với bác sĩ?
Khi có những dấu hiệu sau, bạn nên đưa bệnh nhân đến bác sĩ ngay lập tức:
- Kiệt sức hoặc không đi tiểu trong 1 ngày (người lớn và trẻ lớn) và 12 giờ (trẻ sơ sinh và trẻ em).
- Nôn mửa liên tục và không thể ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
- Xung quanh vết thương bị sưng đỏ và đau.
- Nhiệt độ cơ thể cao thấp thất thường. Bệnh nhân cảm thấy nóng hoặc lạnh khi bị chạm vào và cảm thấy rùng mình, ớn lạnh.

Xem thêm:
- Đi tiểu ra máu là bệnh gì? Phân biệt các loại bệnh khi đi tiểu ra máu
- Bệnh Alzheimer là gì? Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
- Chảy máu chân răng là bệnh gì? Cách xử lý khi thường xuyên bị chảy máu chân răng
Trên đây là các thông tin giúp giải đáp câu hỏi “Nhiễm trùng máu là gì?”. Bên cạnh đó, bài viết còn chia sẻ về các nguyên nhân và triệu chứng của căn bệnh này. Hy vọng những thông tin trên sẽ có ích cho các bạn. Đón xem các chủ đề thú vị khác trên Dinhnghia nhé!